Giây phút quên mình chống “giặc lửa”

ANTĐ - Trong số 10 nạn nhân của vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo chiều 3-6 hiện vẫn đang phải nằm điều trị tại khoa Bỏng - BV Xanh Pôn, có đến 9 người là chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhớ lại giây phút quên mình chống “giặc lửa”, đa số họ đều cho rằng đây là vụ cháy nguy hiểm nhất trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm nay.

Hạ sĩ Phạm Văn Phúc bị thương khá nặng vùng mặt

Được chẩn đoán bỏng lửa xăng 20% độ 1, 2, 3 với toàn bộ khuôn mặt và 2 bàn tay phải băng trắng xóa, chàng hạ sĩ trẻ sinh năm 1991 Phạm Văn Phúc của Đội Cứu hộ cứu nạn, thuộc Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm, là bệnh nhân nặng nhất. Tuy sức khỏe còn yếu song Phúc vẫn cố gượng dậy để chia sẻ về giây phút kinh hoàng mà anh và các đồng đội đã trải qua. 13h20 chiều 3-6, nhận được thông tin về vụ cháy, toàn bộ Đội cứu hộ cứu nạn quận Hoàn Kiếm gồm 25 chiến sĩ lập tức xuất quân.

Khi đến hiện trường vụ cháy, ngọn lửa khổng lồ đã bao trùm cây xăng, khói cuồn cuộn, người dân tá hỏa bỏ chạy cũng là lúc các chiến sĩ cứu hỏa khẩn trương lao vào dập lửa. Phúc kể, hơn 2 năm vào nghề, anh đã tham gia chữa cháy khoảng gần 20 vụ cháy lớn nhỏ nhưng đây là vụ nguy hiểm nhất. Khác với cháy gỗ hay nhà xưởng, cháy ga hay xăng rất khó dập, ngọn lửa bùng lên rất to và lan rất nhanh, bức xạ nhiệt cực lớn. Bằng chứng là khi toàn bộ ngọn lửa đã bị dập tắt được khoảng 15 phút, Phúc và một số đồng đội vào tháo xăng ở bồn chiếc xe téc, bất ngờ ngọn lửa lại bùng lên táp thẳng vào mặt và người khiến anh không tránh kịp. Phúc cùng 2 chiến sĩ khác trong đội được đưa vào cấp cứu tại BV 108 rồi chuyển sang BV Xanh Pôn.

Giống như Phúc, trung sĩ Nguyễn Trung Thủy, chiến sĩ Cảnh sát PCCC quận Đống Đa đã từng tham gia rất nhiều vụ chữa cháy, cũng không ít lần bị thương nhưng đây là lần anh bị thương nặng nhất. Thủy cho biết, vụ cháy cây xăng đường Trần Hưng Đạo về quy mô không lớn bằng một số vụ cháy mà anh từng tham gia như vụ cháy tòa nhà EVN, cháy ở tòa nhà M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, Làng sinh viên Hacinco…, tuy nhiên về mức độ nguy hiểm thì lại là vụ nghiêm trọng nhất. Anh bị bỏng khá nặng vùng đầu và mặt trong khi đang đứng giữa nắp bể xăng để dập lửa, lúc này ngọn lửa đã bùng lên được hơn 1 giờ đồng hồ và đang rất dữ dội, bức xạ nhiệt tỏa ra lên đến 1.000 độ C. Hỏi, lửa đang cháy dữ dội vậy mà phải chạy vào tâm điểm đám cháy, đứng ngay trên bể xăng để dập lửa, anh có sợ bể xăng hoặc xe bồn chở xăng bên cạnh phát nổ hay không? Nguyễn Trung Thủy cho biết, theo kinh nghiệm thì khi ngọn lửa đã bùng lên thường sẽ không xảy ra sự cố nổ nữa bởi bao giờ các thiết bị cũng nổ trước rồi mới bốc cháy. Hơn nữa, đã chọn theo nghề PCCC, không chỉ riêng anh mà tất cả các chiến sĩ đều đã chấp nhận sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy.

Không bị bỏng da rộng, tuy nhiên chiến sĩ Hoàng Anh, cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm hiện vẫn đang ho rất nhiều, có dấu hiệu của bỏng hô hấp vì sặc khói do đứng quá lâu chữa cháy… Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - BV Xanh Pôn cho biết, sau 1 ngày điều trị tích cực, cả 10 bệnh nhân bị bỏng trong vụ cháy cây xăng đều đã tiến triển tốt. Có một số trường hợp nhẹ sẽ được xuất viện trong 2, 3 ngày tới, còn một số bỏng nặng hơn, có dấu hiệu bỏng hô hấp sẽ phải theo dõi, chưa tiên lượng trước được thời gian xuất viện.