Giật mình vì học phí đại học, cao đẳng

ANTĐ - Mức học phí năm 2014 được các trường đại học, cao đẳng trên cả nước thuộc diện ngoài công lập công bố ở nhiều ngành học khiến không chỉ sinh viên, các bậc phụ huynh giật mình lo ngại mà dư luận cũng bất bình bởi mức học phí cao đến phi lý. 

Không chỉ có vậy, đến ngay một số trường hợp cùng ngành học nhưng mỗi trường một mức thu học phí đã tạo nên một sự chênh lệch khá lớn giữa hệ thống các trường ngoài công lập và công lập. Từ câu chuyện về sự “nhảy múa loạn xạ” của mức học phí buộc dư luận phải đặt lại câu hỏi cũ từ một vấn đề không mới đó là giá tiền cao liệu chất lượng có cao? Đã đến lúc cần áp Dụng một mức “trần” học phí cho trường đại học ngoài công lập?

119 triệu đồng/năm

Thuộc về trường ĐH Tư thục Quốc tế Sài Gòn với các ngành học bằng tiếng Việt có mức học phí từ 42.000.000 đồng - 48.000.000 đồng/năm; ngành Khoa học máy tính của trường được dạy bằng tiếng Anh có mức thu học phí cao kỷ lục là 119.000.000 đồng/năm. Theo Luật Giáo dục các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) tự quyết định mức học phí trên cơ sở đảm bảo chi phí đào tạo, tương xứng với chất lượng và điều quan trọng nhất là phải công khai khoản thu này để cơ quan quản lý, xã hội và đặc biệt là người học kiểm tra, giám sát. 

Theo bảng thống kê danh sách mức học phí các trường ĐHNCL, có thể chia thành những nhóm trường có mức học phí dưới 10 triệu đồng, từ 10 đến 20 triệu, 20 triệu đến 100 triệu và những trường có mức học phí “khủng” từ 100 triệu trở lên. Cụ thể, tại các trường ĐHNCL tại khu vực phía Bắc: trường ĐH Chu Văn An bậc đại học từ 590.000-650.000 đồng/tháng; trường ĐH Công nghệ Đông Á ngoài phí nhập học 300.000 đồng thì bậc đại học là 700.000 đồng/tháng, cao đẳng 500.000 đồng/tháng; trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị khối ngành Kinh tế - Quản lý bậc đại học là 850.000 đồng/tháng; trường ĐH Đại Nam sinh viên nhập học mỗi năm phải đóng 10 tháng với ngành Tài chính ngân hàng là 1.180.000 đồng/tháng, các ngành còn lại 980.000 đồng/tháng… 

Các trường hiện nay còn “lách luật” thu học phí cao thêm bằng cách thu theo đào tạo tín chỉ, dù chưa hẳn đã hội đủ các điều kiện để đào tạo dạng này. Trường ĐH Hải Phòng ở bậc đại học theo niên chế là 9.950.000 đồng/năm, nhưng theo tín chỉ thì là 331.600 đồng/tín chỉ (trung bình mỗi bậc học, sinh viên phải trải qua hàng chục tín chỉ); tại trường ĐH Phương Đông tùy vào ngành học năm thứ nhất sinh viên phải đóng mức học phí từ 6.750.000 đồng/năm đến 8.250.000 đồng/năm, từ các năm sau mỗi năm sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước và được thu theo số tín chỉ thực học; trường ĐH Tài chính -Ngân hàng Hà Nội có mức học phí 450.000 đồng/tín chỉ, tổng số tín chỉ toàn khóa đối với tất cả các ngành đào tại bậc đại học là 140 tín chỉ…

Với mức thu học phí theo tín chỉ ở mức cao…chót vót phải nhắc đến trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM với mức 2.410.000 đồng/tín chỉ, học phí học tiếng Anh là 8.780.000 đồng/cấp độ, làm một phép tính đơn giản thì tổng mức học phí cho một sinh viên đi học tại trường có mức dao động từ 70-90 triệu đồng/năm.  

Trong nhóm những trường ĐHNCL cũng có Top những trường “đặc biệt” về mức học phí và có xu hướng tăng đều theo từng năm. Một số trường ngoài công lập cũng đạt ngưỡng của mức học phí khủng như trường ĐH FPT là 23.100.000 đồng/học kỳ với thời lượng học 9 học kỳ. Riêng đợt đóng học phí đầu tiên khi nhập học tạm thu 13.440.000 đồng tương ứng với 4.200.000 đồng lệ phí nhập học và học phí 1 mức học tiếng Anh dự bị… Trong nhóm các trường đại học quốc tế có mức học phí khá “giật mình” như trường ĐH Tư thục Quốc tế Sài Gòn là 109.000.000-119.000.000 đồng/năm, dạy bằng tiếng Anh. Tại trường ĐH Nguyễn Trãi có chương trình liên kết đào tạo với trường ĐH Sunderland (Anh) với mức học phí 305.000.000 đồng/4 năm học, đại học FHM (Đức): 405.000.000 đồng/4 năm học… 

Chênh lệch phát sinh từ đâu (?)  

Đầu tiên nếu đem ra so sánh sẽ dễ dàng thấy được sự khác biệt giữa mức học phí của trường đại học công lập và ĐHNCL. Tại các trường công lập mức thu học phí được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Và tại các trường đại học công lập, việc thu mức học phí nếu trường tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ được xác định rõ ràng, đó là căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó, theo nguyên tắc đảm bảo không vượt quá mức “trần” học phí quy định.     

Ngược lại những trường đại học công lập, mô hình những trường ĐHNCL hoàn toàn tự chủ về tài chính bởi không được Nhà nước hỗ trợ về tài chính như các trường công lập khác nên dẫn đến việc mức học phí thu cao. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đại diện hầu hết các trường ĐHNCL đều có chung nhận định rằng mức học phí cho khóa học, niên học mới được nhà trường cân đối thu chi cho những việc trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm trang thiết bị dụng cụ học tập, máy móc thực hành, bảo trì bảo dưỡng, xây dựng cơ bản… Và khi được tự chủ về mặt tài chính, các trường ĐHNCL được quyền tự định mức học phí của trường mà không cần công khai trước dẫn đến mỗi trường một ba-rem, cùng một ngành nhưng mỗi trường thu một phách với những mức giá học phí mỗi năm cao hơn năm trước đã đẩy mức học phí có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường ĐH công lập và ĐHNCL. 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Trước những năm trường ĐH FPT ra đời Bộ GD-ĐT có quy định mở rộng không thu quá 1.800.000 đồng/tháng (học 10 tháng, tức là không quá 18.000.000 đồng/năm) nếu không có hợp tác quốc tế. Bây giờ hầu như các trường ĐHNCL đều trái quy định, các trường thu học phí một cách vô tội vạ biến giáo dục thành ngành kinh doanh trong khi ngành này không thể đặt đồng tiền lên trước; đã đến lúc cần một quy chuẩn về mức học phí cho các trường ĐHNCL. Bên cạnh đó, đối với các trường ĐHNCL, xét về khía cạnh đào tạo và giảng dạy, thì thực tế chất lượng giảng viên không được như mục tiêu ban đầu các trường nêu ra. Lấy gì đảm bảo những giáo viên được mời về giảng dạy đã đạt chuẩn ở nước sở tại, và chúng ta biết lấy quy chuẩn nào để kiểm định điều đấy khi về dạy ở các trường ĐHNCL ở nước ta. Trong khi nghịch lý là đa số sinh viên ở các trường ĐHNCL điểm rất thấp ở đầu vào, dạy bằng tiếng Anh, tài liệu bằng tiếng Anh... thì giảng dạy thế nào mà các em chẳng nghe, điều đó rất nguy hiểm.