Giáo viên mầm non đi bán hàng online, nhiều người phải chuyển nghề sau dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  PGS. TS Vũ Sỹ Cường- Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, việc nhiều người phải chuyển nghề như giáo viên mầm non đi bán hàng online, quản lý khách sạn chạy Grab… là một trong những nguy cơ của nền kinh tế.
Nhiều người thay đổi công việc làm do dịch bệnh

Nhiều người thay đổi công việc làm do dịch bệnh

Sáng nay (27-4), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad – Adenauer – Stiftung (KAS) tổ chức tọa đàm: “Quan điểm chính sách của VEPR- Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”.

PGS. TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc thiếu hụt lao động lành nghề trong tất cả các lĩnh vực là một thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

“Trong dịch bệnh, nhiều người phải chuyển nghề, giáo viên mầm non đi bán hàng online, quản lý du lịch khách sạn thành Grab. Khi dịch bệnh giảm đi, kinh tế đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động lành nghề trong tất cả các lĩnh vực, năng suất lao động cũng giảm”- ông Vũ Sỹ Cường nói.

Ngoài ra, ông Vũ Sỹ Cường cũng nhận định, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero-Covid sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát của Việt Nam do chúng ta nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Một số báo cáo mới đây đã nhận định, ảnh hưởng từ chính sách trên của Trung Quốc còn lớn hơn cả tác động của từ xung đột Nga- Ukraine.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rất khó đạt được mức cao do tổng cầu đang phục hồi rất chậm. Thậm chí, nếu không có giải pháp kích cầu thì nguy cơ GDP tăng 6-6,5% khó đạt được.

Nhận định tăng trưởng GDP có thể đạt từ 6-6,5% trong năm nay, song TS. Trần Toàn Thắng- Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng cho rằng, không dễ để phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.

Theo ông Trần Toàn Thắng, đợt dịch bệnh Covid-19 diễn ra hồi tháng 4-2020 đã khiến doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 10%. Để phục hồi được mức tăng 10% này, các chuyên gia tính toán cần khoảng 12 tháng. Đặc biệt, quý III-2021, chỉ số này lại giảm khoảng 30%.

Bước sang quý I-2022, dù doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, dấu hiệu phục hồi rõ rệt nhưng mức độ phục hồi nhanh khó đạt được, do thu nhập của người dân giảm sút mạnh sau 2 năm dịch bệnh. Người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng, tiết kiệm nhiều hơn và giá cả tiêu dùng đã thay đổi nên không dễ để kích cầu.

Ông Trần Toàn Thắng cũng cho rằng, việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero- Covid ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam.

Chuyên gia này cũng cảnh lạm phát năm nay khó giữ ở mức 4% khi giá hàng hóa đang tăng cao, thiết lập mặt bằng giá mới. “Có thể cần xem xét lại trọng số trong rổ hàng hóa tính CPI để phản ánh sát thực hơn về lạm phát. Dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng cao ở quý II và quý III”- ông Trần Toàn Thắng nói.