Giáo viên cần làm hết trách nhiệm của người thầy

ANTĐ - Trước đây, trong quá trình học, học sinh tiểu học được đánh giá qua các bài kiểm tra bằng điểm số kết hợp nhận xét nhưng lâu dần cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều chỉ coi trọng điểm số, bỏ qua nhận xét hoặc chỉ nhận xét rất sơ sài, không có giá trị thông tin. Từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT bắt đầu từng bước triển khai thí điểm việc đánh giá thường xuyên không dùng điểm số; đánh giá định kỳ vừa bằng điểm số và nhận xét; trước hết là ở các lớp học theo mô hình trường học mới, sau đó áp dụng đại trà.

- PV: Dù đã thực hiện được 2 năm song hiện vẫn có một số giáo viên phàn nàn về sự rắc rối, phức tạp khi nhận xét học sinh theo Thông tư 30. Theo ông, tại sao phải đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học?

- Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tại Việt Nam, việc đánh giá học sinh tiểu học lâu nay chủ yếu là đo lường kết quả học tập bằng điểm số, chưa coi trọng việc phát hiện các thành công, yếu kém của người học để động viên hay giúp đỡ kịp thời.

Đó là nguyên nhân khiến một bộ phận học sinh yếu cứ tụt dần, càng học càng bị áp lực và chán học. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng học trước chương trình, dạy thêm, học thêm tràn lan.

Trong khi đó, tâm sinh lý các em là cần sự động viên, khen ngợi, hướng dẫn, chỉ bảo ân cần của thầy, cô giáo để các em tự tin, thích học. Việc động viên bằng điểm số có thể khiến các em có kết quả tốt phấn khởi nhưng lại gây áp lực, mặc cảm, tự ti đối với những em chưa biết cách học, kết quả còn thấp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã yêu cầu phải đổi mới việc kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục. Do vậy, Bộ GD-ĐT coi Thông tư 30 là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục thành công. 

- Vậy sau 2 năm áp dụng Thông tư 30, kết quả lớn nhất thu được là gì?

- Thời gian đầu, một số giáo viên chưa quen với việc đánh giá học sinh bằng nhận xét, không cho điểm. Dần dần, giáo viên đã biết cách nhận xét, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn. Giáo viên không còn cảm thấy khó khăn khi thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Điều quan trọng là quan điểm đánh giá học sinh của giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức, kết quả, nặng về điểm số sang đánh giá toàn diện cả năng lực và phẩm chất của học sinh.

 Học sinh được giáo viên quan tâm, nhận xét, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ, các em sẽ biết cách học, từ đó có hứng thú học tập hơn, thêm tự tin và hợp tác trong tập thể. Phụ huynh được giáo viên trao đổi, khuyến khích tham gia đánh giá học sinh, được vào lớp học để cùng hỗ trợ con em học tập sẽ quan tâm đến việc học của con em mình hơn, phấn khởi, đồng tình với cách đánh giá mới.

Việc đổi mới đánh giá đã góp phần thay đổi căn bản cách dạy và cách học trong các trường tiểu học. Có thể nói, Thông tư 30 ra đời nhằm đảm bảo lợi ích của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở yêu cầu giáo viên làm hết trách nhiệm của người thầy.

- Theo ông, trong những năm học tiếp theo, để thực hiện có hiệu quả Thông tư 30 cần thực hiện những giải pháp nào?

- Tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2015-2016, tất cả 63 Sở GD-ĐT đều khẳng định Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn của Thông tư 30; hiểu được những quan niệm mới về đánh giá và tích cực thực hiện được các yêu cầu của Thông tư, đổi mới phương pháp, điều chỉnh hình thức nội dung dạy học phù hợp với đối tượng học sinh.

Học sinh đã giảm áp lực về điểm số, tự tin học tập, giảm đáng kể tình trạng dạy thêm, học thêm, chất lượng các môn học vẫn đảm bảo, số học sinh yếu của năm học 2014-2015 so với 2013-2014 có giảm hơn.

Thông tư 30 đòi hỏi giáo viên phải thay đổi thói quen làm việc nên không tránh khỏi có một bộ phận giáo viên không đồng tình, kêu ca… Do vậy, để thực hiện tốt Thông tư 30/2014 cần phải có sự đổi mới hơn nữa trong nhận thức của cả giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền trong và ngoài ngành giáo dục; tập huấn, hỗ trợ những giáo viên còn lúng túng, hiểu chưa đúng về Thông tư 30; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên cùng nhau rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn; giảm thiểu các công việc mang tính hành chính để giáo viên tăng thời gian tập trung đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá, chuẩn bị tổ chức hội thảo, hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Thông tư 30 để có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để công bố rộng rãi, đồng thời đưa ra giải pháp xử lý phù hợp trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!