Giao thông nằm chờ hạ tầng

ANTĐ - Dù thành phố Hà Nội cũng như Trung ương đã và đang triển khai hàng loạt dự án nhằm giảm ách tắc giao thông, nhưng hầu hết các dự án trên địa bàn Hà Nội đến nay vẫn còn vướng mắc.

Giao thông Hà Nội vẫn trong tình trạng ngổn ngang trăm mối

Chậm tiến độ do GPMB

Đánh giá về hiện trạng hạ tầng GTVT TP, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều bất cập và yếu kém, thiếu một mạng lưới khung hoàn chỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, chiếm khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị, trong đó, mức yêu cầu hợp lý cho một  đô thị hiện đại là từ 20-25%. Ngoài ra, mạng lưới giao thông đường bộ chưa hoàn thiện, các tuyến vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín, tiến độ các dự án giao thông đều chậm so với kế hoạch ban đầu.

Theo đó, với những dự án do UBND TP làm chủ đầu tư, quản lý cũng lên tới con số hàng trăm dự án, ngoài ra còn hàng loạt các dự án khác do Bộ GTVT đầu tư, quản lý. Trong đó, đáng lưu ý là các tuyến đường quốc lộ, hướng tâm như QL 32, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường 1A… rồi các tuyến đường vành đai, từ vành đai 1 tới vành đai 5.

Ngoài ra, trong giai đoạn 5 năm tới, Phó Chủ tịch TP cho biết, Hà Nội sẽ trọng tâm hoàn thiện các cầu qua sông như cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, xây dựng mới và cải tạo 35 cầu yếu trên địa bàn các quận, huyện. Các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ, ngoài hoàn thành các nút giao hiện tại như Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; Láng Hạ - Lê Văn Lương… Hà Nội còn đầu tư xây dựng 15 cầu đi bộ qua đường trên các tuyến như Liễu Giai, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy…. theo kết cấu lắp ghép, gọn nhẹ, linh hoạt. Kinh phí dự kiến để xây dựng 15 cầu đường bộ này vào khoảng 105,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ xây dựng bến, bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, ven đô, phát triển diện tích các bến, bãi đỗ xe, dự kiến xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô. Kinh phí để thực hiện cho phần giao thông tĩnh vào khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP cho rằng, để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ trên, ngoài đẩy nhanh thủ tục thì khâu GPMB cho dự án là phức tạp nhất. Hiện, rất nhiều dự án trên địa bàn chậm tiến độ do GPMB chậm. Theo ông Biền, nguyên nhân do dự báo nhu cầu tái định cư và chuẩn bị tái định cư (TĐC) còn bị động, làm theo kiểu nước đến chân mới nhảy. Theo ông Biền, có thể áp dụng cơ chế đặc thù cho Hà Nội ứng trước vốn để  xây dựng khu TĐC. Ông Biền lấy ví dụ, tuyến Nhật Tân - Nội Bài hiện vẫn còn mắc ở Sóc Sơn vì đến giờ vẫn chưa giải quyết ổn thỏa việc tái định cư cho người dân.

Thiếu kinh phí giải ngân

Ngoài ra, khâu GPMB không kịp thời, dứt điểm thường tạo sự dây dưa. Do đó, cần chủ động về vốn. Điển hình như tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, các quận, huyện đồng loạt duyệt dự án rồi không có kinh phí để giải ngân.

Một nguyên nhân nữa khiến các dự án giao thông chậm tiến độ là do vốn bổ sung bị đội lên quá nhiều. Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, đầu tư - Bộ GTVT cho biết, hầu hết các dự án trên địa bàn Hà Nội, Bộ đều ưu tiên, song kinh phí GPMB tăng quá nhanh, lượng bổ sung nhiều gây khó khăn cho nhà thầu. Đơn cử như tuyến Nhật Tân - Nội Bài, kinh phí duyệt ban đầu là hơn 600 tỷ đồng nhưng vừa qua, mức điều chỉnh đã lên tới 1.300 tỷ  đồng… Còn với con đường đau khổ 32, ông Hoằng cho chay, bị chậm tiến độ cũng do thiếu vốn. “Vốn cho tuyến đường này dù thuộc diện quan trọng, cấp bách, tuy nhiên, kế hoạch vốn của Chính phủ năm 2011 rất thấp, mới giải ngân được 50-55%. Vì vậy, vốn hiện tại chưa có, phải sang năm 2012 mới bổ sung được”, ông Hoằng nói.

Bên cạnh đường bộ, thì đường hàng không cũng đang rơi vào tình trạng quá tải khi nhà ga T2 vẫn chưa xong GPMB. Ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, tại sân bay Nội Bài, nhà ga T1 theo thiết kế chỉ chưa được 4,5 triệu khách, nhưng trong năm 2011, lượng khách lên tới 11 triệu, quá tải nghiêm trọng. Nhà ga T2 hiện vẫn vướng một số hộ dân, cố gắng vào quý IV sẽ khởi công và năm 2014 sẽ đưa vào khai thác, để giảm tải tình trạng ách tắc hiện nay.

Bên cạnh đó, sân bay Gia Lâm theo quy hoạch cũng được đưa vào sử dụng cho những chuyến bay ngắn ở phía Bắc, giảm tải cho sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, khoảng quý I, II năm 2012 mới có thể đưa vào khai thác được.