Giao thông bạo lực

ANTD.VN - Hôm trước, tình cờ xem clip một vụ va chạm giao thông nhẹ và rồi thấy người lái xe tải cầm dao quắm uy hiếp đồng nghiệp của mình, bắt quỳ xuống xin lỗi, tôi cảm thấy gai người vì cái khát khao uy lực đầy thú tính của anh ta. Nhưng cái cảm giác ấy qua đi rất nhanh, khi tôi nhớ lại có quá nhiều vụ va chạm giao thông diễn ra hàng ngày, với những cái kết khác nhau.

Giao thông bạo lực ảnh 1Nếu không giữ được bình tĩnh, người ta sẵn sàng sử dụng bạo lực để “nói chuyện” với nhau sau khi va chạm giao thông (hình ảnh ghi lại trên đường phố TP.HCM)

Tôi không còn thấy có gì bất ngờ khi gần đây liên tục xuất hiện những vụ lái xe manh động sử dụng hung khí tấn công nhau trên đường sau va chạm giao thông. Bởi đó là quá trình leo thang tất yếu của tình trạng bạo lực đường phố khi mà việc tham gia giao thông trên đường, giờ đây giống như tham gia những trận đấu không có trọng tài.

Theo dõi các vụ va chạm giao thông trên đường phố, một kịch bản phổ biến là sau va chạm phương tiện thì sẽ là một màn khẩu chiến. 

Trường hợp lỗi rõ ràng từ một phía, người ta sẽ tranh luận về mức độ đền bù. Điều này lẽ ra không cần thiết nếu như các chủ phương tiện đều mua bảo hiểm, và thủ tục giải quyết đền bù của các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm không quá nhiêu khê. Những cuộc tranh luận này rất dễ dẫn đến bạo lực khi mức độ thiệt hại chỉ được đo lường bằng cảm tính. Tranh luận bằng cảm tính, bản thân điều đó đã luôn là nguyên nhân của bạo lực.

Trong trường hợp cả hai bên đều ít nhiều có lỗi, chuyện này phổ biến bởi ý thức tuân thủ Luật Giao thông quá tệ, người ta sẽ tranh cãi để đổ lỗi cho nhau. Hầu hết những vụ việc như thế, cho dù có cảnh sát giao thông tại hiện trường thì ưu tiên số một vẫn là đương sự tự thỏa thuận, nếu không bên nào yêu cầu cảnh sát can thiệp. Và người ta thường chọn cách tự giải quyết, với tâm lý sẽ ít thiệt hại hơn là dính dáng đến pháp luật và kéo theo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Va chạm giao thông, cũng giống như mọi việc va chạm khác trong cuộc đời này, nếu không có sự tham gia của luật lệ, không có trọng tài, thì sẽ luôn có khả năng biến thành xung đột, từ xung đột ngôn ngữ đến xung đột tay chân, rồi tới việc sử dụng hung khí, vốn dĩ khoảng cách chỉ là sự tiện thể.

Giao thông bạo lực ảnh 2Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Khi chúng ta vốn coi việc lấn làn, đè nhau từng mét đường là một kỹ năng để đi nhanh hơn, chúng ta sẽ không ngần ngại dừng xe giữa đường, bất chấp khả năng tắc đường để tranh cãi về lỗi của nhau, chúng ta đã sẵn sàng bất chấp hậu quả. Với tâm thế bất chấp hậu quả, việc sử dụng nắm đấm, hoặc tiện tay có sẵn vũ khí để gia tăng sức mạnh, là điều tất yếu sẽ xảy ra. 

Sử dụng hung khí trên đường phố sau va chạm giao thông chỉ là nấc thang cuối của trạng thái giao thông bạo lực. Mà trạng thái giao thông bạo lực thì vốn dĩ đã phổ biến dưới hình thức vi phạm Luật Giao thông.

Khi chúng ta vượt đèn đỏ, chúng ta lấn làn, chúng ta đã coi thường tính mạng, sự an toàn của người khác, và cả chính bản thân mình. Bản chất của bạo lực là gì nếu không phải sự coi thường tính mạng, của mình, của người? Nếu chúng ta biết coi trọng tính mạng người khác, chúng ta đã không vi phạm Luật Giao thông. Và nếu chúng ta biết coi trọng tính mạng người khác, chúng ta cũng không thể sử dụng bạo lực. 

Vì thế, khi chúng ta coi việc tham gia giao thông một cách bạo lực là một điều bình thường, chúng ta không cần phải ngạc nhiên với những họng súng từ cabin, hay cái dao quắm trong tay người lái xe.

Va chạm giao thông, cũng giống như mọi việc va chạm khác trong cuộc đời này, nếu không có sự tham gia của luật lệ, không có trọng tài, thì sẽ luôn có khả năng biến thành xung đột, từ xung đột ngôn ngữ đến xung đột tay chân, rồi tới việc sử dụng hung khí, vốn dĩ khoảng cách chỉ là sự tiện thể.

Tin đọc nhiều