Giáo sư Đặng Văn Chí: Có thể ý tưởng bị bác bỏ nhưng chúng ta cần kiên định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trở về Việt Nam sau hơn 50 năm, với tư cách là thành viên Hội đồng Giám khảo giải thưởng VinFuture, Giáo sư Đặng Văn Chí - Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig (Hoa Kỳ) đã có những chia sẻ rất đời thường trên mảnh đất quê hương. Theo ông, con đường trở thành nhà khoa học chân chính trải qua rất nhiều chông gai, nhưng không thể vì thế mà từ bỏ.

Bị bác bỏ vẫn không từ bỏ

Xuất hiện tại sự kiện trao giải VinFuture - Giải thưởng Khoa học công nghệ thường niên toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng, Giáo sư Đặng Văn Chí không chỉ gây chú ý bởi ông là một người Mỹ gốc Việt, mà ông còn lập tức để lại ấn tượng cho người đối diện bởi vẻ ngoài mảnh khảnh và phong thái điềm đạm. Sinh năm 1954 tại TP Hồ Chí Minh, Giáo sư Đặng Văn Chí sang Mỹ năm 12 tuổi. Đầu năm 2022, trở về Việt Nam sau 53 năm xa quê, việc sử dụng tiếng Việt với ông không hề dễ dàng, nhưng ông cho biết vẫn vô cùng xúc động.

“Thú thật lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 53 năm, trong tôi có rất nhiều cảm xúc khó tả. Khi đặt chân xuống sân bay, được nhìn thấy những người Việt Nam, nghe giọng nói tôi cảm giác rất thân thương. Tuy tôi chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn, nhưng quãng thời gian tuổi thơ đó cũng có rất nhiều kỷ niệm nghịch ngợm, phá phách của con nít. Gia đình tôi có 10 anh chị em. Tôi là con thứ sáu và được gọi là bé bảy. Nhà đông con nên tôi có rất nhiều kỷ niệm với các anh chị, em của tôi tại Sài Gòn (TP.HCM)” - Giáo sư Đặng Văn Chí chia sẻ.

Giáo sư Đặng Văn Chí đã truyền cảm hứng, động lực để người trẻ phấn đấu

Giáo sư Đặng Văn Chí đã truyền cảm hứng, động lực để người trẻ phấn đấu

Không ít người đã thắc mắc vì sao ông không về Việt Nam sớm hơn, Giáo sư Đặng Văn Chí cho hay: “Tất cả đều có lý do. Tôi là người rất ham và mê công việc, khi tập trung vào công việc tôi cứ bị cuốn đi, do vậy tôi không thể có thời gian trở lại Việt Nam sớm hơn. Nhưng thực sự, tôi cũng có kế hoạch đưa con cháu trở lại Việt Nam, nhưng chưa có dịp thích hợp. Vì để trở về phải lên kế hoạch, sắp xếp công việc…”. Và dù bận trăm công ngàn việc nhưng Giáo sư Đặng Văn Chí vẫn nhận lời mời tham gia Hội đồng Giám khảo VinFuture bởi lẽ, công việc này tạo cho vị giáo sư hàng đầu về ung thư có cơ hội trở về Việt Nam thường xuyên hơn.

Trong giới khoa học toàn cầu, Giáo sư Đặng Văn Chí được biết đến là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư, nhà nghiên cứu huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu. Ông cũng là người tiên phong trên thế giới nghiên cứu liên ngành giữa sinh học và ung thư. Các nghiên cứu của ông tìm hiểu về cách tế bào ung thư thay đổi quá trình trao đổi chất dựa trên thí nghiệm về một loại đường (glucozo) quan trọng tồn tại trong cơ thể con người. Nghiên cứu này đã giúp giải thích một dấu hiệu của bệnh ung thư được gọi là “Hiệu ứng Warburg” và hồi sinh việc nghiên cứu một loại bệnh tiềm tàng của ngành sinh học ung thư. Hiện nay, các liệu pháp được đưa ra dựa trên công trình này đang trong các giai đoạn phát triển lâm sàng. Ông sở hữu khoảng 60.814 trích dẫn khoa học trên Google Scholar.

Giáo sư Đặng Văn Chí nhận bằng Cử nhân Hóa học tại Đại học Michigan và Tiến sĩ tại Đại học Georgetown. Ông nhận bằng Tiến sĩ y khoa tại Đại học Johns Hopkins và là bác sĩ nội trú y khoa Osler tại Bệnh viện Johns Hopkins. Ông trở thành thành viên của Hiệp hội quốc gia Mỹ nghiên cứu về ung thư (AACR) từ năm 1996 và giữ nhiều chức vụ trong ban chấp hành. Giáo sư Đặng Văn Chí được biết đến là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà nghiên cứu huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu.

Để ghi tên tuổi trong giới khoa học thế giới với lý lịch khoa học “dày cộp”, Giáo sư Đặng Văn Chí đã phải nếm trải không ít lần thất bại. Trong buổi giao lưu với khán giả, trong đó có rất nhiều người trẻ và sinh viên Đại học VinUni, ông thú thực: “Có thể ý tưởng của chúng ta sẽ bị bác bỏ, nhưng chúng ta vẫn phải kiên định với nó, nỗ lực đề nghị, đặt câu hỏi. Có khi, sau cả thập kỷ chúng ta mới có được kết quả từ sự kiên định ấy. Vì thế dù bị bác bỏ thì cũng không được từ bỏ…

Những người trẻ trước hết phải nắm chắc chuyên môn trong lĩnh vực của mình, dùng những kiến thức khoa học sẵn có để từ đó phát triển những gì chưa có” - Giáo sư Đặng Văn Chí nói. Không nói những điều đao to búa lớn, mà chia sẻ dung dị trên hành trình khoa học gian khó và vinh quang của Giáo sư Đặng Văn Chí đã truyền động lực, cảm hứng để người trẻ phấn đấu.

GS Đặng Văn Chí, nhà nghiên cứu huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu

GS Đặng Văn Chí, nhà nghiên cứu huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu

Khoa học giúp cuộc sống tốt đẹp hơn

Nói về động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ của mình, Giáo sư Đặng Văn Chí cho biết, đó là mong muốn được hỗ trợ bệnh nhân không chỉ sống lâu, kéo dài tuổi thọ mà còn phải sống khỏe. Suy nghĩ này bắt nguồn từ việc người thân của ông cũng từng mắc phải căn bệnh nan y, để lại nỗi đau trong thâm tâm người thầy thuốc.

Cha của Giáo sư Đặng Văn Chí là cố bác sĩ Đặng Văn Chiếu (bác sĩ phẫu thuật thần kinh đầu tiên của Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn). Giáo sư Đặng Văn Chí coi cha mình như một hình mẫu để học hỏi và tiến tới những vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu về y học hàn lâm. Năm 2004, cha của Giáo sư Đặng Văn Chí qua đời vì ung thư gan. Đây là nguyên nhân khiến ông mong muốn tập trung phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Tiếp đó, một bước ngoặt đã đến khiến ông quan tâm nhiều hơn đến tuần hoàn sinh học.

Đến năm 2011 người anh trai qua đời vì ung thư di căn mô mềm khiến ông trăn trở. “Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, mình cần phải làm nhiều hơn nữa. Đó là thời điểm rất thách thức và khó khăn đối với tôi. Các nghiên cứu về ung thư của tôi có vẻ như là vô vọng vì không giúp được chính người anh của mình và tôi cứ tự chất vấn: “Làm thế nào để tìm kiếm được cơ hội chăm sóc người bệnh tốt hơn? Làm sao chăm sóc để người bệnh có thể thực sự sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ?”. Tôi hiểu rằng, cần phải đầu tư thật mạnh vào nghiên cứu. Đó là cơ hội để chúng ta có thể làm tốt hơn trong quá trình cải thiện sức khỏe người bệnh, mang lại sự khác biệt. Tôi hy vọng sẽ không có nhiều người phải chịu nỗi đau như anh tôi. Và tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể” - Giáo sư Đặng Văn Chí chia sẻ.

Bởi vậy, khi Đại học Pennsylvania mời về làm Giám đốc Trung tâm ung thư, Giáo sư Đặng Văn Chí đã nhận lời. Đây là trung tâm từng phát hiện ra nhiễm sắc thể bất thường có thể gây ung thư và phát triển một thế hệ liệu pháp tế bào T có khả năng cứu sống con người. Những năm gần đây, Giáo sư Đặng Văn Chí tập trung nghiên cứu kiểu gene ung thư MYC liên quan đến việc ngăn chặn gene trung tâm của đồng hồ sinh học trên động vật có vú, như BMAL1.

Gene này làm nhiễu loạn các chu kỳ dao động bình thường của điều chỉnh phân tử bên trong tế bào và thúc đẩy quá trình tổng hợp protein vào trạng thái bất thường, liên tục thúc đẩy sự phát triển khối u. Phát hiện của Giáo sư Đặng Văn Chí và nhóm nghiên cứu đã hé mở một loại thuốc điều trị tiềm năng, loại mà Trung tâm Ung thư trẻ em Texas đang nghiên cứu.