“Giáo sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng": Trở về đúng độ tuổi của mình

ANTĐ - Sau một thời gian “vắng sóng”, Đinh Tiến Dũng, người vẫn được biết đến với vai diễn Giáo sư Cù Trọng Xoay trong series “Gặp nhau cuối tuần”, sẽ trở lại với khán giả truyền hình vào đầu năm 2013 trong một vai trò hoàn toàn mới. Anh sẽ đảm trách công việc người dẫn chương trình “Nhà sáng chế”, một chương trình được Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp mua bản quyền công nghệ từ Đài Truyền hình ABC của Australia. Cùng trò chuyện trực tiếp với người dẫn chương trình “Nhà sáng chế” phiên bản Việt.

- Từ một “Giáo sư ảo” anh trở về đúng vị trí của một kỹ sư thật khi trở thành người dẫn chương trình chính thức của chương trình “Nhà sáng chế” sắp được phát sóng trên VTV2, cơ duyên nào đã đưa anh đến với chương trình này?

- “Nhà sáng chế” là một chương trình truyền hình hay và đề cao tính sáng tạo nên tôi rất thích. Tuy nhiên, khi nhận được lời mời từ phía Đài THVN, tôi cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng, bởi thế mạnh của tôi là viết lách, nay được đứng trước máy quay và dẫn dắt một chương trình là điều không dễ. Nhưng khi được xem những băng chương trình phiên bản gốc tôi thấy người dẫn của Australia rất thoải mái và hấp dẫn khiến tôi cũng tò mò muốn thử sức mình. Ngay sau khi nhận lời, tôi đã gặp chuyên gia sản xuất chương trình “The New Inventors” phiên bản gốc để dẫn thử và bà ta cho rằng tôi có thể đảm đương được vai trò người dẫn cho chương trình này. Điều đó khiến tôi tự tin hơn.

- Như anh nói, thế mạnh của anh là viết lách, vậy khi bắt đầu với một vai trò mới là MC trong “Nhà sang chế”, anh có gặp phải những khó khăn gì không?

- Trước đây tôi có dẫn một số chương trình event, hoặc các sự kiện trong công ty tôi. Tuy nhiên làm việc với một ekip sản xuất chương trình truyền hình chuyên nghiệp như Nhà sáng chế là một sức ép lớn hơn hẳn. Nếu như trong các chương trình thông thường tôi chỉ cần chú ý đến kịch bản thì để dẫn tốt chương trình này tôi phải gặp gỡ các nhà sáng chế và làm quen với các sáng chế, tìm hiểu tính năng của sản phẩm. Không có một công thức chung nào để tiếp cận các nhà sáng chế, họ có những điểm hay khác nhau, sự sáng tạo khác nhau và nhiệm vụ của tôi là làm thế nào để họ bộc lộ được hết những điểm hay trong chương trình để giám khảo và khán giả có thể cảm nhận được.

- Lựa chọn “Giáo sư Xoay” là người dẫn chương trình, có vẻ như dụng ý của ê-kíp sản xuất “Nhà sáng chế” phiên bản Việt là muốn mang sự dí dỏm hài hước của anh vào một chương trình khoa học khô khan?

- Rất nhiều người cho rằng khoa học và là khô khan có vẻ như không liên quan đến hài hước. Nhưng tôi nghĩ không phải vậy, vì tư duy của những người làm khoa học và những sản phẩm của họ luôn luôn có sự phong phú và không hề khô cứng, buồn tẻ như chúng ta thường nghĩ. Khi dẫn chương trình này, tôi không nghĩ mình sẽ làm hài hước hoá một chương trình khoa học. Bởi đây là một cuộc thi nghiêm túc dành cho các nhà sáng chế làm việc nghiêm túc nên tôi cũng phải làm việc hết sức nghiêm túc. Trong quá trình làm việc tôi có thể trao đổi một cách vui vẻ, thoải mái và tự nhiên với các nhà sáng chế chứ không phải áp đặt sự hài hước khiên cưỡng vào chương trình. 

- Lần đầu tiên dẫn một chương trình trên truyền hình, sự phối hợp của anh và ê kíp sản xuất chương trình Nhà sáng chế phiên bản Việt có suôn sẻ?

- Tôi không phải là người dẫn chương trình chuyên nghiệp, tôi có công việc riêng để làm và đến với “Nhà sáng chế” là một “thử nghiệm” mới. Chính vì vậy tôi phải học hỏi thêm rất nhiều từ đồng nghiệp để có thể dẫn tốt hơn. Thậm chí từ những việc đơn giản như đứng ở đâu, khoảng nào trong trường quay có thể đi lại được, mắt phải nhìn vào ống kính nào… đều phải học hỏi. Một câu chuyện nhỏ trong lúc ghi hình tôi phải nhìn vào ống kính máy quay, nhưng chắc do yêu mầu sắc nên tôi toàn nhìn vào chiếc đèn mầu đỏ bên trên máy, do vậy hướng nhìn của tôi vẫn cao hơn khuôn hình một chút. Và để giúp tôi có được điểm nhìn chuẩn, các anh quay phim nghĩ ra cách dán một mảnh giấy màu trắng nhỏ ngay dưới ống kính để tôi tập trung hướng nhìn. Có lẽ chỉ những người làm việc có kinh nghiệm thì mới giúp những người mới như tôi từ những việc nhỏ như vậy được.

- Thông thường, một người dẫn chương trình vẫn được chuẩn bị sẵn lời dẫn và chỉ việc nói. Còn với “Nhà sáng chế”, anh phải tự viết lời dẫn cho chương trình. Vì sao lại có sự khác biệt này?

- Công việc của tôi không đơn thuần là người đọc lời dẫn mà còn phải đề xuất ra phương án khai thác các nhân vật cũng như sáng chế của họ như thế nào nên tôi phải nghiên cứu để viết lời dẫn cho phù hợp. Công việc tôi làm hiện nay có liên quan đến công nghệ thông tin khá nhiều vì thế tôi có những công cụ tốt trong việc tìm kiếm và xử lí thông tin mình cần. Hơn nữa, tôi còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ ê-kíp của mình, chẳng hạn như đội ngũ chuyên gia đánh giá sản phẩm đưa ra những phân tích, nhận định về mỗi sáng chế. Đó cũng là một nguồn tư liệu rất tốt để làm cơ sở cho lời dẫn của tôi.

- Một số chương trình “Nhà sáng chế” được bấm máy, anh có thể bật mí cho khán giả những cảm nhận đầu tiên của anh về các nhà sáng chế Việt cũng như những sản phẩm của họ?

- Có thể thấy rằng, dù là sáng chế của Việt Nam hay của Australia thì đều có một điểm chung là những ý tưởng thường xuất phát từ thực tế cuộc sống và lao động. Ở Việt Nam, đối tượng nhà sáng chế rất đa dạng và có nhiều nhà sáng chế là sinh viên cũng tham gia, đất nước mình đang rất cần những chuyên gia giàu tính sáng tạo như vậy. Tôi có ấn tượng đặc biệt khi tiếp cận một sáng chế là chiếc dao chẻ nứa. Khi tôi bắt tay người sáng chế ra chiếc dao đó mới nhận ra những vết sẹo do mảnh nứa cứa và vô số rằm nứa vẫn còn ở lại trên bàn tay của anh ấy. Sáng chế của anh ấy đã giúp công việc này bớt nguy hiểm và năng suất hơn rất nhiều. Đó là điều vô cùng đáng trân trọng.

- Khán giả đã quen thuộc với Đinh Tiến Dũng trong hình ảnh của Giáo sư Cù Trọng Xoay trước đây, vậy khi tham gia “Nhà sáng chế” anh có muốn thay đổi lại tạo hình cũ không?

- Nếu như nhân vật Cù Trọng Xoay trước đây là một vai diễn, thì bây giờ tôi là một người thực, làm một công việc thực. Tôi được là một kỹ sư đúng nghĩa chứ không phải là một “giáo sư ảo” như trước kia.  Tôi đã được trở về với đúng độ tuổi của mình chứ không phải một giáo sư già nua. Rất may, chương trình luôn có một ê-kíp chuẩn bị cho tôi về trang phục, đầu tóc sao cho phù hợp với tạo hình mới này.

- Được biết, những người tham gia ghi hình chương trình “Nhà sáng chế” sẽ không được tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến sản phẩm sáng chế. Khán giả có thể mong chờ điều khác biệt nào từ những sáng chế mà chương trình mang lại?

- Chúng tôi đã bố trí trường quay rất rộng để ban giám khảo, khán giả có thể trải nghiệm trực tiếp và đầy đủ về các sáng chế ngay tại trường quay. Thậm chí những sáng chế rất cồng kềnh cỡ như một chiếc xe tăng cũng có thể được đưa vào trường quay. Việc bảo mật thông tin ngoài là yêu cầu nằm trong phiên bản gốc thì chúng tôi cũng muốn “để dành” cho khán giả truyền hình những cảm xúc ngạc nhiên, thú vị khi chương trình lên sóng.

- Khi biết thông tin về chương trình, rất nhiều khán giả tò mò rằng những sáng chế như thế nào mới có thể đủ tiêu chuẩn thể tham gia chương trình này?

- Chương trình của chúng tôi trân trọng tất cả các sáng chế với những tính năng mới có thể giải quyết các vấn đề trong đời sống lao động và sinh hoạt hàng ngày. Không nhất thiết phải là những sản phẩm đắt tiền hay phức tạp, chúng tôi đánh giá các sản phẩm dựa trên những lợi ích mà nó mang lại cho cuộc sống. Nên nếu như các bạn đang sở hữu một sáng chế nào đó và thấy nó có ích cho cuộc sống thì hãy gửi thư tham dự chương trình. Ngoài các giải thưởng về vật chất, chắc chắn các bạn sẽ nhận được một giải thưởng lớn về tinh thần khi thấy những sản phẩm của mình có ích cho mọi người.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!