Giao mùa, hàng trăm trẻ nhập viện mỗi ngày

ANTĐ - Từ cuối tháng 9 đến nay, chỉ tính riêng tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng gần 300 trẻ vào khám, trong đó quá nửa là bệnh lý đường hô hấp. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, đây đang là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ em tại Hà Nội.

Tình trạng nằm ghép đôi ở khoa Nhi đang diễn ra phổ biến

Lượng bệnh nhân tăng vọt 30%

Thống kê sơ bộ của khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lượng trẻ nhập viện vì các bệnh đường hô hấp trong khoảng 10 ngày trở lại đây tăng vọt 20-30% so với bình thường. Vì thế, tình trạng quá tải tại khu điều trị nội trú cũng như khu vực phòng khám khá nghiêm trọng. Thậm chí, buổi tối, bệnh nhân vẫn xếp hàng dài chờ đến lượt khám. Cả khoa Nhi hiện có 60 giường bệnh, song ở thời điểm này, số bệnh nhân đang điều trị nội trú lên đến 140 trường hợp. Không chỉ phải nằm ghép đôi mà nhiều giường phải xếp nằm ghép 3, ghép 4, có khi nằm cả ngoài hành lang.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, năm nào cũng vậy, cứ thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10, lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản… đều tăng cao. Nguyên nhân do thời tiết miền Bắc giai đoạn này chuyển từ tiết thu sang đông, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí tăng cao, nồng độ vi khuẩn, virus gây bệnh trong không khí cao, khiến trẻ không kịp thích nghi, hệ hô hấp bị kích ứng. Cũng do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, lúc tối khi đi ngủ nhiệt độ còn cao nên các gia đình phải bật quạt, điều hòa, nhưng đến rạng sáng nhiệt độ lại hạ rất thấp nên không ít trẻ bị viêm họng, cảm lạnh vì bố mẹ ngủ quên không tắt quạt hoặc đắp chăn ấm cho con.

3 điểm cần chú ý để phòng bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, chỉ cần các bậc phụ huynh chú ý thì việc phòng bệnh không khó. Biện pháp quan trọng đầu tiên là phải giữ ấm cho trẻ vào ban đêm và lúc rạng sáng, là thời điểm nhiệt độ trong ngày hạ xuống thấp nhất. Thứ hai, phải cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước, vệ sinh cá nhân và nơi ở, dụng cụ đồ chơi sạch sẽ. Một cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả tại nhà đó là dùng nước muối sinh lý hàng ngày để nhỏ mắt, mũi, vệ sinh miệng, nên nhỏ (hoặc xịt) trước khi đi ngủ giúp trẻ ngủ dễ hơn. Thứ ba, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe của trẻ, hiệu quả nhất là theo dõi thông qua việc ăn uống, ngủ và cách thở của bé.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu thấy trẻ có biểu hiện ho, viêm phổi, sốt cao thì nên đưa đi khám sớm để được kê đơn thuốc điều trị, không nhất thiết phải nhập viện mà nên theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng hơn hoặc qua điều trị thuốc tại nhà không đỡ thì phải đưa đến viện ngay, không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ. Đặc biệt, với những bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản, nếu thấy có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.