Hà Nội

Giao mầm non công “cõng” tư thục

ANTĐ - Ngày 19-12, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ mở cuộc họp gấp bàn về vấn đề rà soát lại khâu quản lý tránh để thả lỏng những nhóm lớp nhỏ lẻ, dễ có khả năng phát sinh tiêu cực như vụ việc tại trường mầm non tư thục Phương Anh, TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Mầm non công lập có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho khối tư thục

Công khai cơ sở kém chất lượng để giảm rủi ro

Từ tháng 11-2013, UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Theo đó, kế hoạch tăng cường rà soát, kiểm tra đối với loại hình ngoài công lập, nhất là các nhóm lớp tư thục về việc duy trì các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ, tổ chức kiểm tra theo kế hoạch 3 đợt/năm học, đảm bảo đủ 29/29 quận, huyện đã được Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành. Thực tế, theo ông Nguyễn Hữu Độ, khối mầm non công lập đang đáp ứng 85%, còn lại 15% học sinh tại các trường ngoài công lập, dù vậy số lượng trẻ đang được trông giữ tại các cơ sở tư thục cũng khá lớn. 

Tuy nhiên, việc rà soát, kiểm tra này không phải dễ thực hiện. Thực tế, bàn về quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội đã  nhận định thực trạng cán bộ tổ giáo vụ mầm non của các phòng giáo dục còn mỏng dẫn đến công tác kiểm tra, phối hợp với các ban, ngành địa phương trong việc quản lý trường, lớp tư thục còn hạn chế. “Khó có thể đảm bảo kiểm soát hết 100% các cơ sở mầm non tư thục do nhu cầu người dân gửi trẻ quá lớn trong khi nhân lực ngành giáo dục mỏng. Hiện giờ ngành giáo dục phải xác định chất lượng chăm sóc trẻ tốt hay xấu trước tiên thuộc trách nhiệm của mình nên dù quyền quản lý nhà nước được phân cấp cho UBND phường xã nhưng ngành phải chủ động lên kế hoạch quy chế, quy trình kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, hướng dẫn về chuyên môn” – ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết.

Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng: “Cần làm rõ thủ tục, quy trình thành lập trường để nhân dân biết. Cùng với đó, công khai trên mạng danh sách số trường, nhóm trẻ mầm non tư thục đã được cấp phép theo từng phường, từng quận, huyện. Công bố rõ tổ chức bộ máy, rõ quy mô trường lớp, chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đội ngũ”.

Từ kinh nghiệm quản lý thực tế, bà Đinh Thanh Hằng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho biết, việc phối hợp giữa UBND phường và Phòng GD-ĐT được đặc biệt quan tâm. “UBND phường phải thành lập các tổ kiểm tra, thường xuyên rà soát các cơ sở trông giữ trẻ mầm non ngoài công lập, phối hợp với Hiệu trưởng các trường mầm non công lập trên địa bàn phát hiện những cơ sở chui, chưa đủ điều kiện hoạt động cũng như hướng dẫn các cơ sở này đảm bảo các yêu cầu mở trường, lớp để cấp giấy phép hoạt động. Để giúp người dân tránh đến những cơ sở trông giữ trẻ không đảm bảo, các phường đều công khai tên những cơ sở hoạt động có phép, cũng như kết quả xử lý nhóm lớp, trường không có phép, kém chất lượng. Điều này giúp các bậc phụ huynh có đầy đủ thông tin hơn khi tìm lớp gửi con” - bà Đinh Thanh Hằng cho biết.

Kém chuyên môn vì quy mô nhỏ

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những sự cố đáng tiếc với trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gần đây thì nguyên nhân chính vẫn là chuyên môn yếu, không được đào tạo bài bản từ chủ đầu tư tới bảo mẫu, giáo viên. Ông Lê Hồng Vũ cho rằng, nhiều khi chính những  người thực hiện hành vi bạo hành với trẻ lại không nhận thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc, xuất phát từ trình độ nhận thức và kiến thức chuyên môn của người mở trường hay trực tiếp chăm sóc trẻ. Điều này khá nguy hiểm và đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như những vụ việc xảy ra gần đây với trẻ mầm non.

“Có thể hiểu rằng, một trường mầm non tư thục quy mô nhỏ, một cô giáo không biết sinh hoạt chuyên môn ở đâu. Nếu kết hợp với trường công lập trên địa bàn thì có thể sinh hoạt chuyên môn theo tổ, theo chuyên đề. Chính vì vậy cơ chế phối hợp mầm non tư thục và công lập là phù hợp” – ông Nguyễn Hữu Độ bàn về biện pháp khắc phục. Hiện tại, các quận Tây Hồ, Cầu Giấy… đều đã có mô hình giao trách nhiệm cho hiệu trưởng trường mầm non công lập hướng dẫn, bồi dưỡng các cơ sở tư thục về chuyên môn cũng như các điều kiện cần đáp ứng yêu cầu với cơ sở trông giữ trẻ. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu ngay trong tháng 12-2013, các phòng GD-ĐT cần triển khai ngay mô hình này, tham mưu với chính quyền các quận huyện giao rõ nhiệm vụ cho các phường để cùng phối hợp quản lý hiệu quả.

Báo cáo ban đầu cho thấy, huyện Từ Liêm có gần 170 nhóm lớp mầm non đang hoạt động các xã, thị trấn bên cạnh trường mầm non tư thục. Huyện Chương Mỹ có 31 cơ sở (5 trường mầm non ngoài công lập, còn lại là nhóm trẻ gia đình), đã đình chỉ hoạt động 1 cơ sở không đủ điều kiện. Quận Hà Đông đã cấp phép thành lập cho 122 cơ sở nhưng mới chỉ có gần một nửa số này hoạt động và đã giải thể 5 cơ sở.

Tin cùng chuyên mục