Giao lưu trực tuyến giải đáp, hướng dẫn bạn đọc An ninh Thủ đô làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 15-4-2021, Tòa soạn An ninh Thủ đô đã tổ chức Giao lưu trực tuyến, giải đáp, hướng dẫn bạn đọc làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Giải đáp thấu đáo những câu hỏi nóng

- Bạn đọc Nguyễn Hưng Ninh (trú ở huyện Thanh Trì) hỏi: Tôi sống ở Hà Nội nhưng chưa nhập hộ khẩu. Do tôi bị cách ly Covid-19 chưa khai được phiếu thu thập thông tin dân cư DC01 nên giờ muốn làm CCCD gắn chíp thì phải về quê hay làm ở Hà Nội?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến - Phó Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, CAQ Hà Đông trả lời: Vì bạn chưa nhập hộ khẩu ở Hà Nội nên trong trường hợp này, bạn cần phải về quê nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp.

- Bạn Nguyễn Thị Huế hỏi: Hộ khẩu nhà tôi ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng; nhưng thời gian này tôi đang đến ở tạm trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Xin hỏi tôi có thể đến CAP Vĩnh Tuy làm thủ tục cấp CCCD không?

- Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng - Trưởng CAP Vĩnh Tuy, CAQ Hai Bà Trưng trả lời: Trường hợp này, khi công dân nhận được giấy mời thì mang theo giấy mời ra điểm cấp CCCD, nếu công dân đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin không có sự thay đổi thì vẫn được làm thủ tục cấp CCCD bình thường. Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia thì phải mang theo sổ hộ khẩu (bản gốc) hoặc CMND/CCCD còn giá trị sử dụng.

- Bạn Lê Thu Nguyệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội hỏi: Trong sổ hộ khẩu của tôi chỉ có năm sinh mà không có ngày tháng, vậy tôi phải làm thế nào để đủ điều kiện được cấp CCCD gắn chíp?

- Trung tá Trương Thị Liễu - Phó Trưởng Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì trả lời: Theo điều 12 Thông tư 07/2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 40/2019), thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân ghi trên thẻ CCCD dựa trên tờ khai cấp CCCD được đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp dữ liệu này chưa vận hành thì công dân có thể xuất trình CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp lệ khác có ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh. Khi công dân không có bất cứ giấy tờ nào ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh thì công dân cần phải thực hiện thủ tục bổ sung hộ tịch để bổ sung ngày tháng năm sinh. Khoản 13 điều 4, Luật Hộ tịch quy định bổ sung hộ tịch là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký. Cụ thể tại điểm b, c khoản 3 điều 18 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp quy định:

- Người không có hồ sơ, giấy tờ cá nhân hoặc hồ sơ cá nhân không có ngày tháng sinh thì cho phép người yêu cầu cam đoan về ngày, tháng sinh.

- Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh thì ngày, tháng sinh là ngày 1-1 của năm sinh.

Thủ tục bổ sung thủ tục hồ sơ hộ tịch được thực hiện tại UBND xã phường nơi người yêu cầu được đăng ký khai sinh lần đầu hoặc UBND xã, phường nơi người yêu cầu đang cư trú. Sau khi có đủ ngày, tháng, năm sinh trên giấy khai sinh, công dân có thể làm thủ tục cấp CCCD bình thường. Trong quá trình công dân đến làm CCCD sẽ đề nghị cơ quan công an bổ sung ngày, tháng, năm sinh vào sổ hộ khẩu.

Trường hợp đã được cấp giấy khai sinh trước đây nhưng do bị mất, bị thất lạc, giấy khai sinh thì đến bộ phận tư pháp xã, phường nơi đăng ký khai sinh lần đầu để xin “trích lục khai sinh”. Còn trường hợp chưa làm giấy khai sinh lần nào thì phải làm thủ tục cấp giấy khai sinh muộn.

- Bạn Quang Hà hỏi: Tôi bị mất CCCD cũ và sổ hộ khẩu. Tôi chỉ còn bản photo sổ hộ khẩu, ảnh chụp CCCD cũ. Những giấy tờ này khi tôi đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp có đủ điều kiện được cấp không?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến - Phó Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, CAQ Hà Đông trả lời: Trường hợp công dân đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin đầy đủ, không có sự thay đổi thì không cần mang bất cứ giấy tờ gì. Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin có sự thay đổi thì mang theo sổ hộ khẩu (bản gốc) hoặc CMND/CCCD còn giá trị sử dụng. Nếu như bạn đã được thu thập phiếu DC01 đưa vào dữ liệu dân cư thì việc bạn bị mất CCCD cũ và sổ hộ khẩu không ảnh hưởng gì đến việc cấp CCCD gắn chíp, bởi các trường dữ liệu thông tin của bạn đã được nhập.

- Bạn Nguyễn Hồng Điệp hỏi: Bố tôi Lão thành Cách mạng, ngoài 90 tuổi, hộ khẩu và CMND có 2 tên, không có ngày tháng sinh. Khi cấp lại khai sinh đã có đủ ngày tháng năm sinh nhưng chỉ cấp một tên. Vậy có làm được CCCD không?

- Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội trả lời: Trường hợp trên nếu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng và đầy đủ thì có thể làm CCCD được ngay. Trường hợp chưa có dữ liệu hoặc thông tin chưa đầy đủ thì Công an nơi công dân có hộ khẩu thường trú sẽ có trách nhiệm tra cứu hệ thống tàng thư hộ khẩu và tàng thư CCCD để bổ sung đầy đủ thông tin, khi đó công dân có thể làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp.

Học sinh sinh năm 2003 đến 2006 được ưu tiên và truyền riêng mã

- Bạn Nguyễn Thu Phuong (xã Ðồng Tâm, Mỹ Ðức) hỏi: Tôi đang dạy học bậc mầm non ở huyện Mỹ Đức. Xin hỏi tập thể giáo viên chúng tôi có nguyện vọng được các anh công an về trường để tiếp nhận, làm thủ tục cấp căn cước có được không? Nếu được, sẽ cần những giấy tờ gì?

- Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Công an huyện Mỹ Đức trả lời: Trường của bạn cần có văn bản gửi CAH thống kê số lượng người có nhu cầu cấp CCCD gắn chíp và chưa được thu thập dữ liệu dân cư, trên cơ sở đó CAH sẽ bố trí lịch cấp CCCD lưu động tại trường.

- Bạn Nguyen Minh Thy (phường Văn Quán, Hà Ðông) hỏi: Tháng 6 này con tôi tham gia kỳ thi vào lớp 10. Xin hỏi cháu có được ưu tiên làm sớm và nhận sớm CCCD không?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến trả lời: CATP Hà Nội đã có Công văn số 1191/CAHN-PC06 ngày 16-3-2021 về việc truyền sớm dữ liệu cho số công dân sinh năm 2003-2006 để phục vụ cho việc thi của công dân. Chính vì vậy, tất cả các cháu học sinh sinh năm 2003 đến 2006 đều được ưu tiên và truyền riêng mã, để tất cả các trường hợp này được ưu tiên in thẻ CCCD gắn chíp trước phục vụ cho việc thi cử.

- Bạn Minh Ánh hỏi: Năm nay cháu 15 tuổi. Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh THPT 2021, cháu đã được làm CCCD từ tháng 11-2020. Chỉ còn 2 tháng nữa là cháu sẽ thi tuyển sinh THPT nhưng đến thời điểm này, cả trường cháu chưa có CCCD. Xin hỏi là ngành Công an có ưu tiên cho học sinh được cấp trước CCCD hay không và thẻ CCCD các cháu làm từ tháng 11-2020 liệu có là thẻ CCCD gắn chíp hay không?

- Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm trả lời: Công an TP Hà Nội thực hiện cấp thẻ CCCD gắn chíp từ ngày 31-12-2020, do đó, công dân làm thẻ CCCD từ tháng 11-2020 là thẻ CCCD mã vạch chưa chưa phải thẻ CCCD gắn chíp. Đồng thời, theo chỉ đạo của Bộ Công an thì đối tượng là học sinh chuẩn bị thi THPT sẽ được ưu tiên làm thủ tục và trả kết quả sớm để đảm bảo cho việc tham dự kỳ thi tuyển sinh THPT. Do vậy công dân cần đến điểm tiếp nhận hồ sơ CCCD của Công an nơi công dân có hộ khẩu thường trú để làm thủ tục ngay.

Đối tượng cấp Căn cước công dân gắn chíp

- Bạn Phạm Hùng Cường, Đống Đa, Hà Nội hỏi: Hộ khẩu gia đình tôi ở quận Ba Đình, Hà Nội nhưng 20 năm qua, tôi đã chuyển nhà về phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Mẹ tôi năm nay 86 tuổi, bị liệt không thể đi lại, tôi có thể được ưu tiên cấp CCCD gắn chíp tại nhà được không và tôi có thể liên hệ với công an quận nào để đề nghị.

- Thượng tá Nguyễn Thanh Bình trả lời: Trường hợp người già yếu, bệnh tật, ốm đau không thể đi lại có xác nhận của Công an cấp xã nơi người đó cư trú là có thể đề nghị cấp CCCD tại nhà, cụ thể ở trường hợp này thì gia đình có thể xin xác nhận của Công an phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ và nộp cho Công an quận Ba Đình hoặc Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an thành phố để được ưu tiên cấp CCCD tại nhà.

- Bạn Trần Minh Thành hỏi: Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân. Những ai sẽ phải làm thẻ CCCD gắn chíp? Những người ngoài 60 tuổi và đã làm thẻ CCCD gắn mã vạch thì có cần phải đổi không?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến trả lời: Đối tượng cấp CCCD là tất cả các công dân từ đủ 14 tuổi trở lên hiện đang cư trú, làm việc trên địa bàn TP Hà Nội, những người ngoài 60 tuổi đã làm thẻ CCCD gắn mã vạch vẫn nên đổi sớm sang CCCD gắn chíp vì điều này sẽ giúp công dân thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính, nhất là khi Luật Cư trú mới 2020 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021.

- Bạn Nguyễn Minh Tuấn, phường Láng Thượng, quận Đống Đa hỏi: Tôi mới đi làm lại CCCD đầu năm 2020, được cấp CCCD mã vạch. Tháng 3-2021, cán bộ Cảnh sát khu vực đến nhà phát giấy mời tôi đi làm thẻ CCCD gắn chíp. Vậy tôi có cần đi làm lại CCCD gắn chíp không?

- Trung tá Trương Thị Liễu trả lời: Thẻ CCCD mã vạch còn hạn thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, công dân nên đi làm CCCD gắn chíp tại các điểm cấp CCCD lưu động rất thuận lợi, không mất nhiều thời gian phù hợp với lịch làm việc của công dân kể cả ngoài giờ hành chính, thứ bảy, chủ nhật.

Thẻ CCCD gắn chíp sẽ tích hợp nhiều trường thông tin giúp công dân thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch hành chính như giao dịch bảo hiểm, ngân hàng, nhất là khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021.

- Bạn Hạ Thu Hòa, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội hỏi: Tôi năm nay 58 tuổi. Năm 2020 CMND 9 số của tôi hết hạn, tôi đi làm lại và được cấp CCCD 12 số. Vậy nếu năm nay tôi đi làm CCCD gắn chíp thì khi tôi đủ 60 tuổi, tôi có phải đi làm lại không? Ngoài ra, khi làm thẻ CCCD có gắn chíp điện tử thì tôi có bị thu lại thẻ CCCD có mã vạch không?

- Trung tá Trương Thị Liễu trả lời: Thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định (25, 40, 60 tuổi) thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Cụ thể đối với trường hợp công dân hiện nay 58 tuổi thì khi cấp CCCD sẽ không có thời hạn do mốc 60 tuổi là mốc cuối cùng phải đổi thẻ CCCD. Hiện nay, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an, khi trả thẻ CCCD gắn chíp mới tiến hành thu hồi hoặc cắt góc CMND/CCCD mã vạch của công dân.

Cán bộ, phóng viên An ninh Thủ đô và các đại biểu tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Cán bộ, phóng viên An ninh Thủ đô và các đại biểu tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Trường hợp phải mang theo sổ hộ khẩu hoặc CMND/CCCD còn giá trị sử dụng

- Bạn Ngọc Thành Lâm, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội hỏi: Khi tôi chuyển sang cấp CCCD 12 số, tôi được Công an quận cấp giấy xác nhận CMND 9 số với CCCD 12 số là một người. Không may tôi đánh mất tờ giấy xác nhận. Tôi xin cấp lại tại CAQ nhưng không được, vậy tôi có thể xin xác nhận lại không và xin xác nhận tại đâu?

- Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng trả lời: Trường hợp công dân đã được cấp Giấy xác nhận số CMND nhưng bị mất thì làm thủ tục xin cấp lại Giấy xác nhận số CMND tại cơ quan làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận CMND gồm: Giấy đề nghị xác nhận số CMND (mẫu CC13), bản sao (photo) CMND 9 số (nếu có), Tờ khai Căn cước công dân (mẫu CC01).

- Bạn Khổng Trần Hải Yến, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội hỏi: Khi tôi đi làm CCCD gắn chíp tôi cần mang theo những giấy tờ gì? Khi đăng ký xếp sổ theo thứ tự, cả gia đình những người đủ điều kiện có thể làm cùng một lúc được không?

- Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng trả lời: Khi nhận được giấy mời của Công an phường thông báo về thời gian, địa điểm cấp CCCD, công dân khi đi làm CCCD cần mang theo giấy mời ra điểm cấp CCCD, trường hợp công dân đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin không có sự thay đổi thì không cần mang bất cứ giấy tờ gì. Trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mang theo sổ hộ khẩu hoặc CMND/CCCD còn giá trị sử dụng. Khi đăng ký xếp sổ theo thứ tự, cả gia đình những người đủ điều kiện có thể làm cùng một lúc.

Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí

- Bạn Lê Xuân Long, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội hỏi: Trường hợp nào được ưu tiên miễn lệ phí cấp CCCD gắn chíp? Lệ phí cấp CCCD gắn chíp cũng như chi phí chuyển phát nhanh về tận nhà như thế nào?

- Trung tá Phạm Trung Khánh Tùng trả lời: Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí

1. Các trường hợp miễn lệ phí

a) Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

b) Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

c) Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

2. Các trường hợp không phải nộp lệ phí

a) Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật Căn cước công dân;

b) Đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Căn cước công dân;

(Khoản 1 Điều 21: Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi)

c) Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước công dân.

* Lệ phí cấp Căn cước công dân:

- Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp Căn cước công dân. Mức thu 30.000 đồng/Căn cước công dân.

- Đổi Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin in trên Căn cước công dân; khi công dân có yêu cầu. Mức thu 50.000 đồng/Căn cước công dân.

- Cấp lại Căn cước công dân khi bị mất Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam. Mức thu 70.000 đông/Căn cước công dân.

Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, ngày 29/12/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu Lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021.

Sau khi có CCCD được in ra sẽ được chuyển về Công an phường và Cảnh sát khu vực sẽ chuyển trả cho người dân. Người dân có thể đăng ký về việc nhận CCCD tại nhà qua dịch vụ bưu chính.

* Lệ phí chuyển phát nhanh qua dịch vụ bưu chính:

- Cước nội tỉnh: 20.000 đồng/1 CCCD/địa chỉ.

- Cước liên tỉnh: 30.000 đồng/1 CCCD/địa chỉ.

- Từ CCCD thứ 2 trở lên phát cùng 1 địa chỉ nhận là 10.000 đồng/CCCD.

(Dịch vụ chuyển phát nhanh qua dịch vụ bưu chính là hình thức tự nguyện, không bắt buộc)

- Bạn Lê Hùng Sơn, Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hỏi: Tôi đã làm CCCD gắn chíp được gần 1 tháng nhưng chưa nhận được thẻ. Vậy thời gian cấp thẻ theo quy định là bao lâu?

- Thượng tá Nguyễn Thanh Bình trả lời: Hiện nay việc cấp thẻ CCCD gắn chíp đang được triển khai mạnh mẽ, đồng loạt ở nhiều địa phương trên địa bàn toàn quốc, trong khi đó việc in thẻ do Bộ Công an đảm nhiệm. Thời gian trước, việc cấp thẻ bị chậm do hệ thống máy in thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng hiện nay Bộ Công an đã nâng cấp hệ thống máy in thẻ mới hiện đại đảm bảo được tiến độ. Do vậy, CATP Hà Nội sẽ trả thẻ CCCD gắn chíp cho công dân trong thời gian sớm nhất.

Hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật của thẻ CCCD gắn chíp

- Bạn Nguyễn Quang Tuấn hỏi: Được biết 12 chữ số trên thẻ CCCD gắn chíp là mã số định danh công dân. Xin hỏi dãy số này được xác lập dựa trên căn cứ nào? Có thể được chọn số đẹp theo ý mình hay không?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến trả lời: Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số có cấu trúc gồm: 6 số đầu lần lượt là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân và 6 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.

Bắt đầu từ ngày 15-4, mã số định danh đã được đổi đồng loạt. Khi công dân đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp sẽ có sẵn mã số định danh trên để cấp cho công dân. Chính vì vậy, nên công dân không thể chọn theo số đẹp được.

- Bạn Dũng Tiến hỏi: Khi làm CCCD mới thì các giao dịch cũ dùng CMND (chẳng hạn giao dịch ngân hàng, thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất… ) giờ dùng CCCD thì có được không? Hay phải mang đi làm lại hết các giấy tờ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thông tin thay đổi CMND sang CCCD với ngân hàng thì sau đó mới sử dụng CCCD được?

- Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến trả lời: Trong CCCD gắn chíp điện tử hiện nay có đầy đủ các trường dữ liệu thông tin. Ngoài chip, còn có QRCode, người dân kiểm tra mã này sẽ có thể nhận biết được tất cả những trường dữ liệu thông tin, trong đó có cả số CCCD cũ, hoặc số CMND cũ. Sau 1-7 tới, Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin trên cùng các bộ, ban, ngành để xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử số. Việc kết nối những thông tin trên sẽ giúp cho người dân dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng trong việc giao dịch các loại giấy tờ, thủ tục, liên thông, chính xác...

- Bạn Minh Anh, huyện Gia Lâm, Hà Nội hỏi: Được biết, thẻ CCCD gắn chíp tích hợp nhiều trường thông tin cá nhân. Tôi lỡ bị đánh rơi, làm mất, bị đánh cắp thẻ CCCD gắn chíp thì có bị rò rỉ thông tin cá nhân không?

- Trung tá Trương Thị Liễu trả lời: Trong trường hợp công dân nếu lỡ bị đánh rơi, làm mất, bị đánh cắp thẻ CCCD gắn chíp thì người cầm thẻ chỉ biết được các thông tin hiển thị trên thẻ mà không thể đọc được thông tin trong chip do chỉ những cơ quan, tổ chức được chia sẻ dữ liệu theo quy định của pháp luật mới đọc được thông tin thẻ chip. Người dân hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật của thẻ CCCD gắn chíp. Tuy nhiên vì đây là giấy tờ tùy thân nên công dân phải có trách nhiệm giữ gìn.

An ninh Thủ đô luôn là nhịp cầu gần gũi với bạn đọc

Tại buổi Giao lưu trực tuyến, thay mặt Ban Biên tập An ninh Thủ đô, Thiếu tá Chu Quốc Dũng - Phó Tổng Biên tập bày tỏ, trên hành trình 45 năm xây dựng và trưởng thành, An ninh Thủ đô đã, đang và sẽ thực hiện trách nhiệm, hiệu quả sứ mệnh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến cơ quan chức năng, cũng như những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. An ninh Thủ đô sẽ luôn là nhịp cầu gần gũi với bạn đọc, vì tình yêu của bạn đọc dành cho An ninh Thủ đô.