Giáo dục và luật pháp

ANTĐ - Tuần qua, bạn đọc tiếp tục phản hồi về nhiều bức xúc trong cuộc sống, trong đó nổi bật nhất, thu hút sự chú ý nhiều nhất là các vấn đề liên quan đến giáo dục và thực thi pháp luật.

Pháp luật phải nghiêm

Bạn đọc Văn Chính (vanchinh…@yahoo.com.vn) khi đọc bài “Truy nã kẻ cầm đầu vụ điên cuồng đánh, chém công an” bức xúc viết: “Ngày càng nhiều vụ chống lại người thi hành công vụ và cũng đã có nhiều chiến sĩ hy sinh anh dũng khi trấn áp tội phạm. Điều này chứng tỏ pháp luật nước ta chưa nghiêm nên chúng không sợ và ngày càng hung hăng hơn. Theo tôi được biết tại một số nước dành bản án tử hình cho những tên tội phạm chống lại cảnh sát nếu như viên cảnh sát đó hy sinh. Phải truy tố, bắt tù những tên mang hàng nóng theo người ít nhất 3 năm không ân xá. Có vậy xã hội mới nghiêm được”.

Trong khi đó, bạn đọc Đình Hưng (thengoc…@yahoo.com.vn) thắc mắc: “Thế các anh được trang bị súng để làm gì? Ít ra trong những tình huống lộn xộn như vậy cũng cần phải bắn chỉ thiên để ổn định tình hình. Chúc các anh sức khỏe và sớm bình phục”.

“Mấy kẻ chuyên đánh người đòi nợ này nên xử tù nặng mới răn đe được. Để cho luật được nghiêm minh nên tử hình một vài “thằng” để cho số còn lại sáng mắt ra và sẽ không bao giờ quậy phá nữa. Tình trạng “tín dụng đen” bây giờ tràn lan trong xã hội nên mới xảy ra nhiều vụ tấn công như vậy. Cơ quan chức năng nên vào cuộc và phạt nặng những kẻ chuyên làm “tín dụng đen” để xã hội đỡ xảy ra hiện tượng thanh toán theo luật “rừng” như vậy” - bạn đọc Hpt (demlanh…@yahoo.com) viết.

Chia sẻ về việc kiểm tra, xử lý vi phạm lái xe sau khi uống rượu bia, bạn đọc Nguyen Cong Bang (55…@yahoo.com) “mách nước”: Chỉ cần lập biên bản có người làm chứng (không cần kẻ say ký), cẩu xe vào nơi quy định, đưa kẻ say đi thử máu xác định nồng độ cồn, sự việc từ A-Z xử lý theo luật đã quy định (người vi phạm phải trả tiền cẩu xe, tiền trông giữ xe, tiền phạt... riêng tiền đưa đi thử máu trích trong ngân quỹ), quá nồng độ thì bị thu giữ bằng lái...”. Bạn đọc Nguyen Cong Bang còn lưu ý: “Tại nước ngoài đã thực hiện từ thế kỷ 20 rồi”.

Cùng lúc, bạn đọc Minh Trí (candyha…@gmail.com) phản hồi về việc xử lý các vi phạm về an toàn giao thông: “Thật vô lý, khi vỉa hè thì không có lối cho người đi bộ, thậm chí đường bị lấn chiếm cản trở giao thông, thì hàng quán các loại ngang nhiên hoạt động. Tôi nghĩ nếu dẹp nghiêm thì đỡ tắc đường biết bao. Chứ cứ nay cấm, mai lại thôi, hết “ra quân” là đâu lại vào đấy. Chả bắt thì cóc cũng nhảy vào đĩa rồi lại nhảy ra, biết bao giờ thành đô thì văn minh được”.

Giáo dục cần thay đổi

Bạn đọc Nguyen Van Thuyen (thuyen9…@yahoo.de) phản hồi khi đọc bài “Giáo dục Việt Nam: Lỗi hệ thống” đăng số chủ nhật 18-9: “Cảm ơn đã cho chúng ta thấy rõ vấn đề đi xuống của giáo dục Việt Nam. Mong rằng các cấp lãnh đạo để ý đến bài viết đích thực này. Theo tôi nghĩ, cứ đà giáo dục kiểu này thì học sinh cấp III hiện nay không biết nấu cơm để mà ăn và sinh viên đại học không sửa nổi chiếc xe đạp hỏng. Hãy cải cách giáo dục ngay lập tức”. Bạn đọc Dan Tran (ibexh…@yahoo.com) đồng quan điểm: “Bài viết hay, tương đối chính xác về thực trạng giáo dục Việt Nam. Tôi đã học và tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, sau đó qua Bắc Mỹ học và sống ở đây. Một điều tôi nhận thấy là chất lượng đào tạo của đại học ở Việt Nam quá kém. Chúng ta cần thay đổi”.

“Chuyện mua điểm, mua bằng là “bình thường ở huyện”. Cải cách giáo dục là một từ được nhắc đến và hô hào nhiều, nhưng đã làm được gì, hay toàn cải “lùi”? Chỉ khổ học sinh và phụ huynh, mang nặng thêm gấp nhiều lần” - bạn đọc Trần Khánh (minhkhanh…@gmail.com) viết. Trong khi đó, bạn đọc Minh Trí chia sẻ: “Người ta bỏ tiền xin điểm, nhưng đổi lại người ta coi thường nhân cách của thầy cô”. Câu này rất hay, rất trúng. Nhưng như đã phân tích, 10/10 thầy cô giáo không trả lời đúng thế nào là “nhân cách” thì coi thường cũng nào có ích gì. Con tôi học mẫu giáo lớn mà khi thi bé khỏe, bé ngoan được giải nhì thì nó nói: “Bạn A được giải nhất vì bố bạn ấy tặng cô giáo một chiếc quạt cây, bố ạ”. Tôi thực sự choáng váng luôn”.