Giáo dục thời nhà Nguyễn qua 100 tư liệu cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân dịp năm học mới năm 2021,Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) sẽ mở triển lãm trực tuyến 3D "Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại". Cuộc trưng bày sẽ ra mắt từ ngày 3/9, khán giả quan tâm có thể theo dõi trên website của Cục Văn thư và Lưu trữ (archives.org.vn) và trang Facebook của trung tâm (facebook.com/luutruquocgia1).

Triển lãm có 5 chủ đề, lần lượt giới thiệu về lễ khai giảng, trường học, người thầy, các vấn đề học tập thi cử và khuyến học-khuyến tài.

Nội dung trưng bày bao gồm hơn 100 tài liệu đặc sắc về giáo dục thời nhà Nguyễn (1802-1945), được lựa chọn từ khối châu bản (tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ... được đích thân vua xem hoặc phê duyệt) và mộc bản (bản khắc gỗ các tài liệu dùng để in sách) của triều Nguyễn cùng một số hình ảnh minh họa. Nhiều di sản đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Cảnh xướng danh. Ảnh sưu tầm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Cảnh xướng danh. Ảnh sưu tầm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Các tài liệu sẽ cho thấy lễ khai giảng diễn ra long trọng ở Quốc Tử Giám, mang đậm dấu ấn thời đại, các trường học từ kinh thành đến một số miền được vận hành quy củ, bài bản, người trong hội đồng có người quen đi thi phải khai báo nghiêm túc để đảm bảo tính công bằng cho cuộc thi, nếu né tránh sẽ bị phạt nặng như thế nào cùng nhiều nội dung khác...

Giới chuyên môn nhận định, nền giáo dục kiểu cũ, trong đó có giáo dục dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) đã lùi xa nhưng tính công bằng, nghiêm minh trong khoa cử, cách rèn luyện tinh thần học tập, cách tu dưỡng đạo đức nhân cách, hun đúc khí tiết cho con người... vẫn là những giá trị có sức sống bền vững, lâu dài trong thời đại ngày nay.

Ban Tổ chức hi vọng, đây sẽ là nguồn tài liệu, tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu và công chúng có cùng mối quan tâm về vấn đề này. Thế hệ hôm nay có thể “gạn đục khơi trong”, chắt lọc tinh hoa của nền giáo dục xưa để vận dụng linh hoạt vào nền giáo dục đương đại.