Giáo dục thể chất quan trọng nhưng vẫn chỉ được coi là môn phụ trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học được coi là có vai trò quan trọng thì thực tế, tại không ít cơ sở giáo dục đây vẫn chỉ được coi là môn phụ, ít được quan tâm, đầu tư.
Nhiều địa phương gặp khó khăn về giáo viên, cơ sỏ vật chất trong triển khai giáo dục thể chất trong nhà trường

Nhiều địa phương gặp khó khăn về giáo viên, cơ sỏ vật chất trong triển khai giáo dục thể chất trong nhà trường

Bộ GD-ĐT khẳng định, giáo dục thể chất không chỉ là hoạt động thể dục thể thao đơn thuần mà nó còn mang lại sự phát triển toàn diện cho học sinh và giúp phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp đối với trẻ em.

Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Chính phủ. Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ

Về lý thuyết, giáo dục thể chất luôn được quan tâm khi đây là 1 trong 6 môn bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, thực tế việc tăng cường thể lực cho học sinh, thanh thiếu niên Việt Nam vẫn tiến hành chậm. Phương pháp giảng dạy giáo dục thể chất ở nhiều nơi vẫn còn một số hạn chế.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết, hệ thống giáo dục FPT có cả nội trú và bán trú, công tác giáo dục thể chất đóng vai trò to lớn vì gắn với các giai đoạn phát triển của học sinh, sinh viên. Việc thực hiện ở các nhà trường cũng có những vấn đề, đầu tiên là vấn đề nhận thức. Nhiều nơi coi giáo dục thể chất là môn phụ mà ít chú trọng, giao phó cho gia đình.

Trong Chương trình GDPT 2018, khối lượng tối thiểu áp dụng trong mô hình học 1 buổi là phù hợp. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn các trường tăng thời lượng giáo dục thể chất so với tối thiểu đang quy định tùy theo điều kiện mỗi đơn vị.

TS Lê Trường Tùng cho biết, hệ thống giáo dục của FPT đã mạnh dạn đưa mon võ Vovinam vào giáo dục thể chất cho học sinh phổ thông và sinh viên, vì vậy các trường cũng cần được hướng dẫn về việc đưa thêm các bộ môn phục vụ giáo dục thể chất bên cạnh nội dung cứng theo quy định của môn học này.

Nói về khó khăn trong triển khai công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, Sở GD-ĐT Thái Nguyên cho biết, hai năm học vừa qua, học sinh chủ yếu học online, việc giáo dục thể chất gặp vô vàn bất cập, thầy cô phải rất vất vả.

Ngay cả học trực tiếp, thì công tác giáo dục thể chất cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như lực lượng giáo viên còn thiếu và yếu, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức vẫn chưa thay đổi khi ngay trong trường học, một số giáo viên vẫn coi giáo dục thể chất là môn phụ mà chưa có sự quan tâm đúng mức. Nguồn đầu tư về cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất cũng chưa được nâng cao. Ví dụ, việc triển khai bể bơi trong trường học còn rất nhiều vướng mắc.

Sở này kiến nghị cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về tác dụng, ý nghĩa của hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học. Tiếp theo, cần đổi mới chương trình và kiểm tra đánh giá môn Giáo dục thể chất, bổ sung đội ngũ giảng dạy bộ môn ...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD-ĐT đã triển khai trong toàn ngành Quyết định 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Đây là chương trình nhằm đảm bảo chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Trong đó “Chăm sóc toàn diện về thể chất” là một nội dung quan trọng.