Giáo dục chính mình mới khó

ANTĐ - Chị Trịnh Thị Hà (28 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng trước thông tin thành phố Hà Nội sắp xây dựng thêm một số cầu vượt cho người đi bộ trước các cổng trường đại học.

- Chị nghĩ gì về hiệu quả của cầu vượt bộ hành trong giải quyết ùn tắc?

- Cầu vượt đi bộ không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc, mà còn đảm bảo an toàn cho người qua đường. Anh cứ thử sang đường ở những trục đường như Xuân Thủy - Cầu Giấy xem, cứ như là thể thao mạo hiểm ấy. Xe cộ cứ lao vù vù, chạm nhẹ vào người qua đường là đã có tai nạn rồi.

- Có cầu, tại sao nhiều học sinh, sinh viên vẫn băng qua đường phía dưới?

- Đó là do đại bộ phận người tham gia giao thông ý thức vẫn quá kém. Trong khi thành phố, các cấp các ngành đang nỗ lực xây dựng những công trình giao thông nhằm giải quyết ùn tắc thì người dân vẫn vô tư vi phạm: ô tô, xe máy, người đi bộ đều vi phạm, thành ra nỗ lực ấy như muối bỏ bể.

- Việc gửi giấy báo vi phạm giao thông của sinh viên, học sinh về trường để trừ thi đua có hiệu quả không?

- Tôi nghĩ là không. Phạt chỉ là biện pháp tạm thời, giáo dục mới là biện pháp lâu dài. Học Luật giao thông rất dễ, thực hiện nó một cách tự giác mới khó. Ở Đức, một người qua đường mà không bấm nút báo đèn đỏ thì cảnh sát giao thông dừng lại giáo dục tại chỗ tới 30 phút vì vi phạm luật giao thông ở đó bị coi như hiện tượng kỳ dị. Ở nước ta, nếu làm tốt công tác giáo dục từ bậc mẫu giáo, tiểu học tới đại học thì dần dà mới hình thành ý thức chấp hành giao thông.

- Giáo dục kiểu gì? Trong khi chính phụ huynh “giáo dục trực quan” bằng việc vi phạm luật giao thông trước mắt con trẻ?

- Giáo dục con trẻ, giáo dục người khác đã khó, giáo dục chính mình còn khó hơn. Phải nghĩ đến tương lai của con em mà nghiêm khắc tự dạy mình.