Giao dịch không tiền mặt "lên ngôi", lượng tiền gửi thanh toán tại ngân hàng tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt khi dịch bệnh bùng phát có thể là nguyên nhân khiến lượng giao dịch thanh toán nội địa tăng mạnh trong quý II, đồng thời với đó, lượng tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng tăng mạnh.

Giao dịch thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng mạnh

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, số liệu giao dịch thanh toán nội địa trong quý II/2020 tăng mạnh. Cụ thể, số lượng giao dịch được thanh toán bằng thẻ ngân hàng là hơn 171 triệu món với giá trị giao dịch trên 399.000 tỷ đồng.

Con số này tăng mạnh so với với gần 86 triệu món, tương đương gần 206.000 tỷ đồng trong quý I-2020; và gần 97 triệu món với trên 222.000 tỷ đồng trong quý IV-2019.

Trong khi đó, số lượng giao dịch qua ATM và POS/ EFTPOS/EDC lại có xu hướng giảm. Cụ thể, số lượng giao dịch qua ATM đạt hơn 233,7 triệu món với hơn 631.500 tỷ đồng (so với con số quý I là gần 727.700 tỷ đồng); số lượng giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC là hơn 72,7 triệu món với 128.300 tỷ đồng (quý I hơn 148.4000 tỷ đồng).

Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, số lượng thẻ ngân hàng cũng tăng lên trong quý II/2020 là hơn 2,9 triệu thẻ, lũy kế đạt 90,69 triệu thẻ.

Cùng với việc tăng mạnh các giao dịch thanh toán qua thẻ thì lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng cũng tăng mạnh. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối quý II/2020, toàn hệ thống ngân hàng có gần 524.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng, tăng gần 47.300 tỷ đồng so với quý I. Trước đó, trong quý I/2020, tổng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã giảm gần 23.300 tỷ đồng.

Đây là tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ). Đối với tiền gửi thanh toán, ngân hàng chỉ phải trả lãi suất rất thấp, 0,1-0,2%/năm.