Gian nan lùng bắt tội phạm chiến tranh

ANTĐ - Cuộc săn lùng tội phạm chiến tranh ở châu Âu diễn ra âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt, và sau nhiều năm, sự quyết tâm đã mang lại thành quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết về những gian khổ, nguy hiểm, trắc trở của các lực lượng an ninh khi chống lại những tên tội phạm đặc biệt này.

Gian nan lùng bắt tội phạm chiến tranh ảnh 1Tội phạm chiến tranh Radovan Karadzic bị kết án 40 năm tù hôm 24-3

Nhiều phương án nhưng vẫn lọt lưới

Vào một đêm đầu năm 1998, hai chục binh sỹ từ đội đặc nhiệm Delta của Mỹ nằm chờ ven con đường núi Bosnia để phục kích tội phạm chiến tranh Radovan Karadzic, cựu chính trị gia của Bosnia.

Theo thông tin tình báo, Radovan Karadzic sẽ qua con đường này để tới một cuộc họp trong vòng 48 giờ tới. Để bắt sống và tránh đụng độ với 4 nhân viên bảo vệ giàu kinh nghiệm của hắn, nhóm lính Mỹ đã vạch ra kế hoạch ưu tiên các yếu tố bất ngờ. Cuối cùng, họ đề xuất sử dụng 3 dụng cụ: 1 tấm thảm có gài dao titan để làm thủng lốp xe của Radovan Karadzic, 1 lựu đạn hình xúc xích có thể nổ tung các cửa ra và đe dọa người bên trong, cuối cùng là một bộ đồ con khỉ đột. Người lính đưa ra ý tưởng này cho rằng khi thấy con khỉ xuất hiện trên đường, các đối tượng sẽ tò mò dừng lại và đó là lúc thích hợp để tấn công.

Phương án tốt nhất đề ra nhưng họ đã không bắt được Karadzic vì hắn không xuất hiện cả vào đêm hôm sau. Nhóm phục kích được lệnh giải tán. Karadzic, lãnh đạo của người Serb ở Bosnia, cùng với tướng Ratko Mladic của hắn  vẫn tự do cho đến 10 năm sau và trở thành tội phạm bị truy nã  gắt gao của châu Âu.

Nỗ lực theo dõi, bắt và đưa ra công lý những kẻ chịu trách nhiệm tàn sát người Yugolasvia trong cuộc nội chiến Nam Tư là nội dung chính trong cuốn sách vừa ra mắt của Julian Borger - biên tập viên của tờ Guardian, người đưa tin về cuộc chiến Bosnia từ những năm 1990 cho Guardian và BBC. 

Những “con cá” lớn

Qua nhiều khó khăn, những đội quân truy tìm tội phạm chiến tranh cũng thu được những mẻ lưới lớn. Năm 1998, đặc nhiệm SEAL của Mỹ đã bắt được Goran Jelisic, viên cai ngục rất tàn bạo từng tự nhận là “Adolf (Hitler) thứ hai” trong Chiến tranh Bosnia. Năm 1999, lực lượng SAS của Anh đã giành thắng lợi lớn trong chiến dịch bắt Stanislav Galic, cựu tướng quân từng giám sát những vụ bắn tỉa và đánh bom thường dân Sarajevo. Năm 2000, lực lượng CIA của Mỹ đã tóm được Dragan Nikolic, một chỉ huy khét tiếng tại trại tập trung được thành lập ở Serbia hồi năm 1992 . Tên này sau đó đã thú nhận rằng nhiều nạn nhân của hắn là “những người từng là bạn của tôi mà tôi đã gặp nhiều năm trong quán cà phê, ở sân thể thao và đi nghỉ hè cùng”.

Một phần rùng rợn của cuốn sách nói về cuộc tìm kiếm và bắt giữ 3 kẻ đầu sỏ là Sbolodan Miloševic, Radovan Karadzic, và Ratko Mladic.  Cựu Tổng thống Serbia Miloševic bị buộc tội diệt chủng nhưng ông này chết năm 2006 trước khi vụ xử tội phạm chiến tranh ở Hà Lan kết thúc.

Trong khi đó, Karadzic và Mladic dù được treo thưởng 5 triệu USD nhưng vẫn không lộ tung tích. Sau khi Karadzic không xuất hiện trong vụ đặc nhiệm Delta giả làm khỉ đột để phục kích, Mỹ đã mua chuộc lái xe của hắn nhưng người này sợ hãi và nghi ngờ đây là kế hoạch của Karadzic nhằm thử lòng trung thành của mình. Các nỗ lực quân sự và tình báo của Mỹ đã không tìm ra hắn. Tuy nhiên năm 2008, một cuộc điện thoại bị chặn đã dẫn các điều tra viên tới địa chỉ của người râu trắng bí hiểm trong một khu nhà ở Belgrade. Tên này đã gặp em trai của Karadzic và  mang theo hơn chục điện thoại di động, một vài chiếc trong đó đã được dùng để duy trì liên lạc với một số người Serb. Cuối cùng, Karadzic bị bắt khi đang đi trên một chiếc xe buýt.

Năm 2011, Ratko Mladic - cựu chỉ huy quân đội Serbia Bosnia bị theo dõi khi  tới nông trại ở một thị trấn nhỏ phía bắc Serbia. Không dùng bí danh hay giấu danh tính thật như Karadzic, Mladic nói luôn với những người bắt mình: “Các anh đã tìm thấy người các anh đang tìm kiếm. Tôi là Ratko Mladic”.

Mặc dù các lực lượng an ninh phải trải qua cam go, gian khổ nhưng cuối cùng, công lý đã được thực thi. Hôm 24-3, cựu lãnh đạo người Serbia tại Bosnia, Radovan Karadzic, năm nay 70 tuổi, đã bị Tòa án Liên hợp quốc tuyên án 40 năm tù vì tội diệt chủng và tội ác chiến tranh.