Gian nan cuộc chiến chống khủng bố

ANTĐ - 10 năm sau sự kiện bi thảm 11-9, nguy cơ khủng bố vẫn đang là chủ đề thời sự nóng bỏng ở Mỹ và trên thế giới. Hầu như không có hội nghị quốc tế lớn nào, không có cuộc gặp cấp cao nào mà  cặp từ “khủng bố và chống khủng bố” không được nhắc tới.

Hình ảnh đau thương ngày 11-9-2001 vẫn còn in đậm trong tâm trí của người Mỹ

Có thể nói nước Mỹ đã làm tất cả để ngăn chặn thảm họa 11-9 tái hiện. Trong một thập kỷ qua, quy mô của hệ thống tình báo Mỹ phát triển với tốc độ chóng mặt. “Thế giới tuyệt mật” của nước Mỹ hiện có ít nhất 263 tổ chức với hơn 850 nghìn người được cấp các thẻ an ninh tối mật. Còn Cơ quan tình báo Quốc gia tập hợp tới 16 cơ quan tình báo khác nhau, trong đó có cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nổi tiếng một thời.

Để biến “ngôi nhà” của mình thành pháo đài bất khả xâm phạm, nước Mỹ cũng không tiếc tiền của. Người ta tính rằng chỉ riêng năm 2009, 50,5 tỷ USD đã được đổ vào két sắt của Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Tại các sân bay, biện pháp an ninh được thắt chặt đến mức các hãng hàng không Mỹ phải than vãn rằng “điều này có thể làm cụt hứng các khách du lịch bằng đường hàng không”.

Ấy vậy nhưng nước Mỹ vẫn chưa an toàn. Vụ đánh bom khủng bố bất thành cuối tháng 12 năm ngoái nhằm vào Hãng hàng không Delta đã làm lộ rõ những lỗ hổng chết người trong hệ thống an ninh Mỹ. Tiếp đó, Quảng trường Thời đại nổi tiếng giữa New York lại suýt biến thành nơi chứng kiến sự tái hiện của vụ khủng bố 11-9-2001, nếu như F. Shahzad, người Mỹ gốc Pakistan, thành công trong việc kích nổ quả bom tự chế giấu trong xe ô tô.

Chưa hết, dưới cái cớ bảo đảm an ninh, chính quyền Mỹ đã “bật đèn xanh” cho việc thực hiện các cuộc nghe lén điện thoại và giám sát các e-mail của công dân Mỹ để phát hiện khủng bố. Danh sách tình nghi khủng bố mà các cơ quan chức năng của Mỹ đưa vào “sổ đen” hiện đã vượt quá mốc 1 triệu người. Quyền tự do của người dân Mỹ đang bị xâm hại nghiêm trọng mà nguy cơ khủng bố vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.

Trên bình diện quốc tế, 2 cuộc chiến mà Mỹ phát động dưới cái cớ “chống khủng bố và ngăn chặn nguy cơ vũ khí hủy diệt” đã trở thành những “vũng lầy” chưa lối thoát. Các cuộc chiến đó chẳng những không đưa các nước trên thế giới đoàn kết lại trong nỗ lực chung ngăn chặn khủng bố, mà lại trở thành yếu tố gây chia rẽ sâu sắc. Sự đối đầu căng thẳng không chỉ giữa các đối thủ ở hai bên bờ chiến tuyến khủng bố-chống khủng bố, mà còn ngay giữa các đồng minh trên cùng trận tuyến chống khủng bố.

Rõ ràng, muốn loại bỏ chủ nghĩa khủng bố, nước Mỹ không thể hành động một cách đơn phương. Loại bỏ khủng bố khỏi đời sống chính trị thế giới phải là nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia các nước, bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh thế giới, không gây thiệt hại cho dân thường vô tội.

Chống khủng bố cũng không thể chỉ dựa vào biện pháp quân sự. Ai cũng biết mầm mống bất công có thể dẫn đến những hành động cực đoan, là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố ẩn náu. Chính vì thế, chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể ngăn chặn khi loại bỏ được tận gốc cội nguồn của nó là sự áp bức, bất công, xâm lược, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, văn hóa. Điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách tạo ra một trật tự kinh tế thế giới công bằng, xóa bỏ mâu thuẫn giữa các nước giàu-nghèo. Thế giới sẽ bình yên hơn nếu như mảnh đất nuôi dưỡng khủng bố là đói nghèo và bất ổn được loại bỏ nhờ những nỗ lực như tăng cường viện trợ của các nước giàu cho các nước nghèo… Còn rất nhiều việc phải làm để thảm họa 11-9 không thể tái hiện.

Những con số biết nói

20 nạn nhân sống sót từ đống đổ nát. Trong số này có John McLoughlin và William Jimeno, 2 cảnh sát được cứu sống sau 13 và 21 tiếng khi bị chôn vùi quanh một thang máy. 2 trường hợp sống sót kỳ diệu khác, một là Genelle Guzman, thư ký văn phòng trên tầng 64 của tháp Bắc được tìm thấy sau 27 tiếng tháp đổ sụp. Người kia là Pasquale Buzzelli, một kỹ sư kết cấu, ông này bất tỉnh trong 3 tiếng, lúc tỉnh dậy đang thấy mình đang ở đỉnh của đống đổ nát, trước mặt là bầu trời.

Có tới 3.051 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ sau vụ 11-9. Bên cạnh đó, có 17 em bé đang nằm trong bụng mẹ khi những người cha của chúng thiệt mạng trong các vụ tấn công. Khoảng 9 tháng sau vụ khủng bố, số ca sinh ở thành phố New York tăng tới 20% so với cùng thời điểm điều tra vào năm 2000.

1 triệu tấn phế liệu trong đống đổ nát đã được thu dọn để lực lượng cứu hộ và công nhân có thể tìm kiếm những người còn mắc kẹt và tư trang của những nạn nhâu xấu số. Họ đã tìm thấy khoảng 65.000 vật dụng, trong đó có 437 đồng hồ và 144 nhẫn cưới.

Lính cứu hỏa đã mất 100 ngày mới có thể dập tắt hoàn toàn các đám cháy bị gây ra bởi các vụ tấn công nhằm vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới.

5 trong số 19 không tặc tham gia vụ tấn công 11-9 đã nghỉ lại tại một khách sạn ngay gần cổng dẫn vào Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong những ngày trước khi tiến hành cướp 4 máy bay chở khách.
Mật mã cho sự kiện 11-9. Qua điều tra, kẻ không tặc Abu Abdul Rahman đã gửi bức thư tình được mã hóa trên một phòng chat Internet tới “bạn gái Đức” vài tuần trước vụ tấn công, người nhận sau đó được xác định là kẻ đồng phạm Ramzi Binalshibh. “Các học kỳ đầu tiên bắt đầu trong ba tuần. Hai trường trung học phổ thông (tháp đôi) và hai trường đại học (mục tiêu ở Washington DC)… Mùa hè này chắc chắn sẽ nóng... 19 (số không tặc) chứng chỉ cho giáo dục tư nhân và 4 kỳ thi (số lượng máy bay). Gửi lời đến giáo sư. Tạm biệt”.

Một công ty mất tới 2/3 nhân lực. Đó là công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Cantor Fitzgerald có trụ sở tại tầng 101 và 105 tòa tháp đôi số 1 với 658 trong tổng số 960 nhân viên đóng tại New York thiệt mạng. Ngay sau đó, giám đốc điều hành Howard Lutnick nói với một đồng nghiệp: “Chúng ta có thể đóng cửa công ty để dự đám tang của bạn bè, hoặc chúng ta sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết để giúp gia đình họ”. Chính xác là 10 năm sau, Cantor Fitzgerald đã trao hơn 180 triệu USD giúp gia đình nhân viên xấu số và hoàn thành lời hứa trả tiền chăm sóc sức khỏe cho họ.