Giãn dân phố cổ: 12 năm “thai nghén” có thành?

ANTĐ - Sau “lộ trình” kỷ lục, kéo dài tới 12 năm, đề án giãn dân phố cổ đang tới giai đoạn chót, chuẩn bị chính thức trình UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, tới lúc này, bản thân những người trong cuộc vẫn còn không ít băn khoăn về tính khả thi của nó.

Giãn dân phố cổ: 12 năm “thai nghén” có thành?  ảnh 1
Những ngõ nhỏ chừng 1m, tối tăm và sâu hun hút thường thấy ở khu phố cổ Hà Nội


“Kỷ lục” kéo dài thời gian

Điểm lại “lịch sử” của đề án này, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, từ năm 1999, thành phố đã giao nhiệm vụ cho quận Hoàn Kiếm nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ với 28ha đất xây dựng khu giãn dân ở khu đô thị Việt Hưng, khoảng 14ha ở Ngọc Thụy và một vài vị trí khác trên đường Nguyễn Văn Cừ (lúc đó thuộc huyện Gia Lâm). Khi đó, TP đã đặt vấn đề phải giãn 26.000 dân trong số 86.000 dân nằm trong khu vực 100ha của phố cổ. Thế nhưng, các dự án đó không thực hiện được mặc dù thành phố đã chấp thuận với mức tổng chi phí cực kỳ lớn vào thời điểm đó (khoảng 800 tỷ đồng).

Phân tích nguyên nhân thất bại hơn 10 năm trước, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đó là do không tạo được sự hấp dẫn cho khu giãn dân, từ điều kiện về hạ tầng xã hội, diện tích nhà ở đến thiếu cơ chế để tạo ra các dịch vụ, hạ tầng xã hội tốt... Thêm vào đó, đề án cũng chưa phân loại được các đối tượng giãn dân cũng như giải pháp vận động để họ tự nguyện di dời... Những vấn đề này cho tới 12 năm sau vẫn tiếp tục là bài toán không đơn giản với đề án giãn dân phố cổ. 

Băn khoăn về khả năng sau khi di dời, mật độ dân cư phố cổ sẽ tăng trở lại khi những cư dân mới lại tới, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, ông Phan Hồng Sơn cho rằng, cần có các biện pháp hành chính để quản lý vấn đề này. Theo đó, TP cần tính toán xây dựng quy chế quản lý cư dân ngay từ bây giờ. Nên chăng, có thể áp dụng giải pháp quản lý bằng quy hoạch, nghĩa là tính theo mật độ dân bình quân trên 1m2 để quản lý. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho đây là giải pháp khả thi: “Đề án di dân phố cổ rất khó, chắc chắn sẽ phải kéo dài nhiều năm. Một mình quận không thể làm được, thành phố phải vào cuộc. Cần đưa đề án này vào danh mục dự án trọng điểm của thành phố”. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, đưa dân đi đã khó nhưng quản làm sao để mật độ nơi cũ không tăng lên cũng quan trọng không kém bởi rồi sẽ có những người mới muốn mua nhà và chuyển tới ở phố cổ. “Quản bằng hộ khẩu chỉ là một chuyện, phải xem cả yếu tố quy hoạch có phù hợp không rồi mới cho chuyển vào...” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Sẽ triển khai dồn dập

Một số ý kiến khác trong tập thể lãnh đạo UBND TP cũng lo lắng về tính khả thi của đề án. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nói: “Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định thành công của đề án. Ở đây, tôi thấy tỷ lệ đồng ý chưa cao, phải chăng, người dân chưa có hình dung rõ về nơi tái định cư? Theo tôi, quận phải làm rõ nguyện vọng của người dân và công bố rộng rãi các chính sách di dời để người dân chia sẻ...”.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu thận trọng: “Di dời hàng nghìn hộ dân đã quen sống ở trung tâm sẽ rất khó khăn. Sự thực là hơn 12 năm qua, đề án vẫn chưa thể phê duyệt. Do đó, cần suy nghĩ sâu sắc thêm về góc độ xã hội của đề án. Theo tôi, cần có ban chỉ đạo cấp  thành phố để triển khai đề án. Đồng thời, đề án phải chỉ ra được các cơ chế đặc thù thì mới có tính khả thi cao... Đặc biệt, phải nhanh chóng bắt tay xây dựng khu tái định cư ở Việt Hưng ngay từ bây giờ, nếu không 3 năm nữa chưa chắc đã có nhà. Tâm lý người dân là phải nhìn thấy nhà thì mới yên tâm...”.

Trước các ý kiến này, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, ông Hoàng Công Khôi khẳng định, tính khả thi của giai đoạn I là “không phải suy nghĩ”. “Sau khi thành phố duyệt đề án, các khâu tiếp theo sẽ triển khai dồn dập để tăng tiến độ thực hiện đề án” - ông Hoàng Công Khôi nói.

“Chốt” lại vấn đề, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu quận Hoàn Kiếm tiếp thu các ý kiến đóng góp, khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện đề án, để UBND TP kịp trình Thường trực Thành ủy cho ý kiến vào tuần sau. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh tới việc đề án phải đề xuất được các cơ chế đặc thù khung để đảm bảo tính khả thi. Trong đó, bao gồm cả các cơ chế di dời, tái định cư, quản lý dân cư hay đầu tư xây dựng khu tái định cư tại Việt Hưng... Đồng thời, phải sớm xác định rõ vị trí tái định cư cho giai đoạn II của đề án. Ông Nguyễn Văn Khôi cũng giao Sở Tư pháp Hà Nội chủ trì nghiên cứu quy chế quản lý dân cư phố cổ sau di dời với yêu cầu giữ đúng mật độ dân số theo quy hoạch.

Dân phố cổ được bồi thường gấp đôi

UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất, đối với các hộ dân di dời, sẽ áp dụng giá đất bồi thường, hỗ trợ theo bảng giá đất hàng năm do TP ban hành nhưng với hệ số 2 (nhân đôi) cho các diện tích đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ. Đối với đối tượng tự nguyện, mỗi hộ được mua 1 căn hộ tại khu giãn dân với giá đảm bảo kinh doanh, diện tích căn hộ được bố trí phù hợp với số nhân khẩu và được miễn tiền sử dụng đất. Với cả 2 đối tượng, UBND quận Hoàn Kiếm xét bố trí diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của tòa nhà 9 tầng trong khu giãn dân Việt Hưng theo tiêu chuẩn quy định. Giai đoạn I của Đề án giãn dân phố cổ (từ năm 2012-2015) được thực hiện trên diện tích đất hơn 11ha tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên). Tổng vốn đầu tư dự kiến 3.964 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 166,3 tỷ đồng. Trong giai đoạn I, sẽ di chuyển khoảng 1.530 hộ dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học, nhà xuống cấp nguy hiểm...