Giãn cách xã hội theo vùng “đỏ- cam- xanh”: Hàng hóa dồi dào, giá cả chưa biến động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội thứ tư tại Hà Nội, hôm nay (6-9), giá cả lương thực thực phẩm chưa có biến động lớn, hàng hóa dồi dào nhưng tiểu thương và khách hàng đều lo lắng.
Thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị rất dồi dào, giá cả tương đối ổn định

Thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị rất dồi dào, giá cả tương đối ổn định

Chị Nguyễn Thị Tuyết (chủ sạp rau xanh lớn nhất chợ Trung Văn) cho biết: “Cuối tuần trước và hôm nay đi lấy hàng vẫn thuận tiện, nhưng không biết hôm sau, khi thành phố siết chặt giấy đi đường, kiểm tra chặt chẽ việc di chuyển giữa các vùng đỏ- cam- xanh thì chúng tôi có bị ảnh hưởng không? Hàng ở chợ đầu mối, phải đi qua nhiều phân vùng nhưng hiện chưa thấy hướng dẫn gì cả”.

Theo tiểu thương này, nếu việc đi lại giữa các phân vùng khó khăn hơn thì khi đó, nguồn cung rau xanh giảm sút, giá rau củ sẽ tăng lên.

Hiện tại, nhiều loại rau củ vẫn giữ giá ổn định: Cà chua 18.000 đồng/kg; bí đỏ 18.000 đồng/kg; khoai tây 16.000 đồng/kg; rau muống 7.000 đồng/mớ.

Tương tự, thực phẩm tươi sống cũng chưa có nhiều biến động trong những ngày gần đây. Thịt ba chỉ, vai giòn 160.000 đồng/kg; sườn thăn 160.000 đồng/kg; thịt thăn bò, sườn bò 280.000 đồng/kg; cá trắm cắt khúc 80.000 đồng/kg; cá trắm cả con 60.000 đồng/kg. Các loại thủy hải sản khan hiếm hơn so với trước đây.

Tại chợ 337 (Cầu Giấy), thịt lợn vẫn giữ giá 160.000 đồng/kg; sườn cục 165.000 đồng/kg; sườn bỏ cục 200.000 đồng/kg; thịt gà ta 130.000 đồng/kg. Các loại rau củ quả phong phú, tươi ngon.

Tuy nhiên, tại chợ Láng Hạ, cuối tuần qua khi có thông tin Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đợt 4, giá thịt đã tăng nhẹ khoảng 20.000 đồng/kg, lên mức 180.000-185.000 đồng/kg.

Với mặt hàng trứng, nếu như cách đây 1 tháng, trứng gia cầm tăng mạnh lên mức 5.000-6.000 đồng/quả thì hiện tại, giá trứng đã giảm khá mạnh, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/quả trứng gà ta; 3.300-3.500 đồng/quả trứng vịt. Tại các chợ không còn khan hiếm trứng.

Mặc dù giá cả ổn định, nhưng hiện người mua không đông. Một tiểu thương bán thịt tại chợ 337 cho hay: “Người dân có phiếu đi chợ, họ đã quen tính toán để mua đủ dùng trong những ngày không đi chợ. Dù vậy, chúng tôi lấy lượng hàng nhiều hơn nhưng nhiều hôm vẫn ế. Hàng lấy về khó khăn, chi phí tăng nhưng không dám tăng giá bán lẻ là vì thế”.

Tại một số gian hàng không người bán, dù được tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân nhưng rất vắng khách. Nguyên nhân là bởi hàng hóa tại đây không phong phú về chủng loại, giá cả lại khá cao.

Chẳng hạn hàng được bán đồng giá 10.000 đồng/2 củ cà rốt, 10.000 đồng/2 quả su su đóng khay… đắt hơn nhiều so với giá bán tại các chợ. Do đó, chỉ những tình huống bất khả kháng người dân mới chọn mua đồ tại đây.

Ghi nhận tại các siêu thị: Co.op Mart Hà Đông, Vinmart Nguyễn Chí Thanh cho thấy, hàng hóa dồi dào, rau củ tươi ngon, siêu thị tương đối vắng khách. Nguyên tắc 5K được các siêu thị thực hiện khá tốt.

Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho hay: “Để đáp ứng với yêu cầu phòng chống dịch bệnh khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo phân vùng, hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị các phương thức cung ứng hàng hóa như sau: Xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động bình thường theo luồng xanh.

Nhân viên của hệ thống sẽ hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3, bao gồm cả làm việc và vận chuyển các đơn hàng online đến người dân.

Tại các vùng cách ly y tế, VinMart/VinMart+ đã chuẩn bị các phương án để cán bộ nhân viên thực hiện 3 tại chỗ tại siêu thị/cửa hàng đảm bảo cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng.

Về giấy đi đường theo quy định mới, hệ thống đã nhanh chóng gửi danh sách nhân viên cần được cấp giấy đi đường lên Sở Công Thương Hà Nội để được cấp giấy theo quy định, nhằm đảm bảo việc bán hàng tại hệ thống cửa hàng và giao hàng online không bị gián đoạn”.

Hiện tại, không chỉ các tiểu thương lo lắng về việc có nhập được hàng hóa hay không do phân cách vùng, mà ngay cả người dân cũng cho rằng việc đi chợ, đi mua hàng hóa thiết yếu sẽ khó khăn hơn so với trước đây.

Chị Trần Thu Hạnh (Nam Từ Liêm- Hà Nội) cho biết: “Cuối tuần qua, tổ trưởng tổ dân phố đến nhà tôi ghi danh sách xem ai trong nhà sẽ là người đi chợ trong tuần tới. Thay vì việc được phát phiếu đi chợ 2 ngày một lần trước đây, từ hôm nay chỉ được đi chợ 2 lần trong tuần, thời gian khoảng 1-1,5 tiếng/lần, tức là số lần đi chợ giảm đi.

Nhưng quan trọng hơn, theo phổ biến từ tổ dân phố thì đây là 2 lần được ra ngoài, chúng tôi đã hỏi lại và được khẳng định, ngoài 2 lần này thì đi siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng không được”.

Theo đó, người dân ủng hộ việc đi chợ ít lần hơn để phòng dịch, chỉ cần tính toán lại lượng hàng cần mua thì sẽ đủ cho gia đình cả tuần.

Tuy nhiên, nhiều tình huống phát sinh, người dân cần đi siêu thị như: mua sữa, sữa chua, hóa mỹ phẩm cho gia đình… sẽ không được ra ngoài vì sợ bị phạt, do không nằm trong thời gian đã đăng ký được ra ngoài.

Trong khi đó, một số người mua khác lại băn khoăn vì muốn đi siêu thị lớn gần nhà mua đồ một thể nhưng gặp khó khăn.

Chẳng hạn như dân cư ở Mễ Trì, ở Huỳnh Thúc Kháng… muốn đi siêu thị Big C Thăng Long mua đồ dùng 1 thể vì khoảng cách rất gần nhưng lại không thể vì ra đường “trái tuyến”, thiếu giấy tờ và lý do hợp lý, chỉ có thể mua sản phẩm nhỏ lẻ ở những điểm bán gần nhà nhất.

Đại diện Viettel Post cho biết, mức độ siết chặt giãn cách theo phân vùng mới của Hà Nội về cơ bản không ảnh hưởng đến luồng vận hành của đơn vị.

Tại vùng 2 và vùng 3, các hoạt động vận chuyển, giao nhận và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, với hoạt động giao hàng trong vùng 1, đơn vị đang làm theo hướng dẫn của UBND TP.

Hiện Viettel Post đề nghị cấp 2.400 giấy đi đường mới cho bưu tá tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu. Lượng đơn hàng dự kiến vận chuyển được 80.000 - 90.000 đơn/ngày.

Vietnam Post cũng cho biết, với vùng 1, Bưu điện thành phố bổ sung thêm nhiều hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân tại các điểm bán và cam kết tuyệt đối không tăng giá.

Tại vùng 2 và 3, doanh nghiệp bưu chính này cho biết sẽ tiếp tục triển khai các hình thức bán hàng trực tiếp, qua hotline của bưu cục, điểm Bưu điện Văn hóa xã, đẩy mạnh hình thức bán hàng qua livestream để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định sẽ đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân Hà Nội trong đợt giãn cách xã hội thứ tư. Đồng thời, phương án cung ứng hàng được xác định với từng phân vùng cụ thể để đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực, thực phẩm.