"Giãn cách xã hội là đúng, nhưng đôi khi cứng nhắc"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Chỉ thị 16 có quy định "tỉnh cách ly với tỉnh", không chỉ doanh nghiệp trong vùng dịch mà doanh nghiệp bên ngoài cũng “chết” theo", đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 21-10.

Dẫn số liệu tăng trưởng kinh tế quý II và quý III-2021 “rơi tự do”, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng "sức khoẻ" của nền kinh tế đang rất có vấn đề. Nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng chống dịch, không có biện pháp mềm dẻo hơn thì suy thoái kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra.

Vừa qua chúng ta thực hiện giãn cách xã hội là đúng, nhưng áp dụng đôi khi quá máy móc, cứng nhắc. Chỉ thị 16 có quy định “tỉnh cách ly với tỉnh” thì đương nhiên là phải chặn hoàn toàn, dẫn đến hàng hoá bị chặn lại. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp trong vùng dịch mà doanh nghiệp bên ngoài cũng “chết” theo.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tổ, ngày 21-10

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tổ, ngày 21-10

Những hoạt động dịch vụ chúng ta đóng cửa rất kịp thời, nhưng những nhà máy, công xưởng cũng đóng cửa hoàn toàn vô hình trung tạo gánh nặng cho công tác phòng chống dịch.

"Nếu như để bản thân doanh nghiệp có trách nhiệm như một chủ thể phòng chống dịch sẽ giảm tải rất nhiều cho chính quyền, đồng thời phát huy được trí tuệ, nguồn lực của doanh nghiệp bởi “của đau con xót”, họ sẽ biết cách tự lo", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Theo đại biểu của Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn sau cả năm trời không hoạt động, nguồn lực không có. Chúng ta mới có hỗ trợ giãn/ hoãn nợ, nhưng giải pháp này mới chỉ giảm đỡ khó khăn, chứ chưa tăng nguồn lực.

"Vì vậy trong năm 2022, rất cần thiết phải bổ sung thêm nguồn lực cho doanh nghiệp. Phương thức phổ biến nhất là anh phải có nguồn vốn cho người ta vay, nhưng nguồn vốn ở đây không thể thực hiện theo nguồn lực thương mại bình thường được, mà phải là nguồn vốn giá rẻ. Chính phủ nên bỏ ngân sách ra cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Nông nghiệp là ngành duy nhất tăng trưởng dương, “điểm sáng” của nền kinh tế từ đầu năm tới nay. Trong tình hình bình thường, chúng ta nhìn nông nghiệp như gánh nặng, rào cản cho phát triển nhưng cứ mỗi lần kinh tế rơi vào khó khăn, khủng hoảng thì nông nghiệp lại trỗi lên, trở thành ngành cứu cho sự ổn định của nền kinh tế.

Cần phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển nông nghiệp. Trong cơ cấu xuất khẩu, nông nghiệp của chúng ta là những sản phẩm không có đối thủ cạnh tranh, có thế mạnh riêng. Vì vậy cần có con mắt đầu tư cho nông nghiệp có hướng đi tốt.

Cùng thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn hình ảnh từng đoàn người lao động từ các thành phố lớn trở về quê và cho rằng sức lan toả của những chính sách hỗ trợ người dân còn rất chừng mực, chưa đến được với nhiều đối tượng đáng được thụ hưởng.

"Điều này cần phải đánh giá một cách tổng thể, thẳng thắn nhìn nhận để có điều chỉnh hợp lý những bất cập", bà Vũ Thị Lưu Mai đề nghị.

Nhấn mạnh "chúng ta là con nhà nghèo, cần đề cao tiết kiệm để có thể đi đường dài vì chưa rõ dịch bệnh kéo dài tới bao giờ", nữ đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ cần có các kịch bản khác nhau tương ứng các tình huống để tránh bị động, đồng thời nên tăng dự phòng ngân sách trung ương.

"Cần rà soát, loại bỏ những loại quỹ sử dụng không hiệu quả, có nhiệm vụ chi trùng với nguồn chi ngân sách. Khi thiếu nguồn lực có thể lấy từ đó để phục vụ công tác phục hồi nền kinh tế", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.