Giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp để tăng cơ hội đi làm việc ở Hàn Quốc

ANTĐ - Người đi lao động xuất khẩu bỏ trốn, ra ngoài làm việc bất hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam, nhất là tại thị trường trọng điểm như Hàn Quốc.  Vấn đề nan giải này chỉ có thể giải quyết được nhờ sự thay đổi ý thức của chính người lao động cũng như nỗ lực của các cơ quan chức năng và xã hội.

Giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp để tăng cơ hội đi làm việc ở Hàn Quốc ảnh 1Xuất khẩu lao động Hàn Quốc, cơ hội đang hẹp dần với lao động Việt Nam

Nguy cơ “đóng cửa” thị trường 

Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có khoảng 80.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc thông qua 3 kênh cung ứng: Lao động kỹ thuật cao đi theo Chương trình thẻ vàng (E7); Lao động thuyền viên tàu đánh cá gần bờ và tàu đánh cá xa bờ; Lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Chương trình EPS được thực hiện từ năm 2004 thông qua Bản ghi nhớ (MOU) ký giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. MOU có thời hạn 2 năm và được ký gia hạn tiếp mỗi lần 2 năm. 

Tuy nhiên, vấn đề người lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang là trở ngại chính trong việc ổn định và phát triển thị trường này một cách bền vững. Hiện có hơn 15.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp, chiếm 30% tổng số lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và chiếm 12% tổng số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế và dẫn đến việc Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Phía Hàn Quốc cảnh báo, nếu tỉ lệ lao động bỏ trốn không giảm xuống dưới 30%, sẽ không xem xét nối lại hợp tác với Việt Nam. Hàn Quốc đã 2 lần không ký gia hạn MOU thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động với Việt Nam mà chỉ ký MOU đặc biệt (lần đầu ngày 31-12-2013 và lần hai ngày 10-4-2015) để tiếp nhận những lao động đã đăng ký và kiểm tra tiếng Hàn. 

Rất cần sự tự nguyện của người lao động

Hiện Hàn Quốc đang áp dụng chính sách khuyến khích người lao động bất hợp pháp tự nguyện hồi hương. Theo đó, người lao động bất hợp pháp nếu tự nguyện hồi hương sẽ không bị xử phạt, không bị giam giữ và thời hạn cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc giảm xuống còn 2 năm (so với 5 năm đối với người bị bắt và trục xuất).

Để tạo thuận lợi và khuyến khích người lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp tự nguyện về nước, ngày 7-9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP, trong đó nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1-9 đến 31-12-1015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Đối với những lao động cố tình chây ì, tiếp tục làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, sẽ bị xử phạt ngay sau khi hết thời hạn miễn xử phạt.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã cương quyết hành động để giữ thị trường tiềm năng này nhưng vẫn rất cần sự tự nguyện của chính người lao động. Người lao động cần phải ý thức được nguy cơ “đóng cửa” thị trường lao động Hàn Quốc sẽ dẫn đến những thiệt hại cho chính bản thân họ, từ đó mới hy vọng giữ được thị trường.

Để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tạo cơ sở cho việc ký Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai tổ chức nhiều hội nghị thông tin, tuyên truyền, vận động đến tận các xã, phường và gia đình người lao động tại Việt Nam để các gia đình cam kết yêu cầu thân nhân đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người lao động tái hòa nhập sau khi về nước thông qua các hoạt động hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm và giới thiệu lao động về nước cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng. Hy vọng hết năm 2015, số lao động bỏ trốn sẽ thấp hơn 30% để người lao động Việt Nam có thêm cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc.