Giảm thuế, giảm cả cơ chế xin - cho

ANTĐ - Doanh nghiệp nhỏ và vừa khấp khởi chờ đợi đề xuất vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện trong dự thảo tờ trình Chính phủ một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, “tiếp oxy” cho doanh nghiệp. Ngoài thuế, doanh nghiệp còn cần gì, đòi hỏi gì để có thể “hít thở” trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng?

Bộ Tài chính đề nghị sẽ giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khu vực doanh nghiệp yếu thế này từ 20% xuống mức 15% hoặc 17%, áp dụng từ đầu năm 2016 đến hết năm 2020.

Với cả 2 phương án này, nguồn thu ngân sách tất nhiên sẽ giảm, nhưng sẽ được bù đắp từ tăng thu các loại thuế giảm và thuế thu nhập cá nhân, bởi số tiền thuế được giảm sẽ được rót vào tiêu dùng đầu tư.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ chọn phương án giảm thuế xuống còn 15%. Nếu chỉ giảm xuống 17% cũng chưa thể hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Mặc dù 450.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm, song nhiều doanh nghiệp tỏ ra đuối sức. Trong khi nguồn ngân sách còn eo hẹp, việc giảm thuế là nỗ lực lớn của Chính phủ, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt lên.

Giảm thuế tức là thất thu, nhưng nhìn rộng ra nước ta hiện có 4 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nếu thuế giảm, các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn sẽ có một lực lượng hộ kinh doanh trong khu vực không chính thức chuyển thành doanh nghiệp và có thể giải quyết được thêm hơn 8 triệu việc làm cho xã hội. Suy đi tính lại, việc giảm thuế, trước mắt sẽ thất thu, còn lâu dài lại có nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế cũng như khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy vậy, dưới con mắt của giới chuyên gia kinh tế, giảm thuế là hết sức cấp thiết. Song, cộng đồng doanh nghiệp còn canh cánh nỗi lo, mong muốn là giảm thuế thì đồng thời phải giảm cả cơ chế xin - cho. Có nghĩa là cần phải cải cách thủ tục hành chính.

Cần tập trung đẩy mạnh làm sao để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục rườm rà, làm khó trong kinh doanh thì doanh nghiệp mới có thể giảm chi phí, làm ăn có lãi để được hưởng giảm thuế thực sự. Trước mắt, từ ngày 1-7 tới, phải làm sao rà soát, tạo bước chuyển biến quyết liệt trong hàng nghìn điều kiện kinh doanh, làm sao giảm hàng nghìn giấy phép con. Giảm cơ chế xin - cho không thể bằng hô hào, kêu gọi chung chung.