Giảm thuế, cứu doanh nghiệp

ANTĐ - Ngày 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ liên quan đến một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Mức giảm thuế mới đề xuất (từ 25% về 22%) nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Giảm thuế, cứu doanh nghiệp ảnh 1
Doanh nghiệp đang cần sự chia sẻ từ nhiều phía để vượt qua khó khăn


Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được xây dựng (có nội dung hạ mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%) dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1-1-2014. Tuy nhiên, trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2013, Chính phủ xin cho thực hiện sớm một số giải pháp chính sách ưu đãi thuế. Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho áp dụng ngay thuế suất thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ước tính, trong điều kiện áp dụng thuế suất phổ thông 25% thì khi áp dụng mức thuế này, dự kiến số thu ngân sách năm 2013 giảm 1.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa  được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh. 

Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh mức hạ thuế suất phổ thông từ 25% xuống ngay mức 22% (thấp hơn 1% so với dự thảo trình lần trước), đồng thời đề ra lộ trình cụ thể đến 1-1-2016 sẽ áp dụng mức thuế suất chung 20%. Về giải pháp thuế giá trị gia tăng (VAT), Chính phủ kiến nghị giảm 50% số thuế đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội phát sinh từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 và giảm 30% số thuế đối với nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cũng trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Mức giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 vì việc đẩy thời hạn thực hiện sớm nửa năm so với dự kiến cũng chỉ khoảng 37,5 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn nhưng tỷ trọng đóng góp ngân sách về thuế lại nhỏ nên việc áp dụng mức thuế suất thấp cho đối tượng này không ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách. Ước tính, việc thực hiện những giải pháp về thuế nêu trên làm giảm thu ngân sách năm 2013 khoảng 2.647 tỷ đồng. 

Đồng tình, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc hỗ trợ về thuế đối với các đối tượng này trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, để cùng với các giải pháp khác góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, cũng có ý kiến còn băn khoăn việc hỗ trợ thuế có thể dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2. Riêng đề xuất giảm thuế VAT, có ý kiến cho rằng thời gian thực hiện (1 năm) là ngắn. Do đó, nên kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31-12-2014.

Tán thành đề nghị của Chính phủ, có ý kiến cho rằng, cần tính toán để cho mọi đối tượng doanh nghiệp hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 1-7-2013 thay vì chờ đến 1-1-2014. Dù vậy, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, việc này khó thực hiện bởi sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách. “Thu ngân sách quý I năm nay chỉ bằng 20,6% dự toán cả năm trong khi mọi năm thường đạt 25%-27%. Nếu thực hiện ngay từ 1-7 với mọi doanh nghiệp, ngân sách giảm thêm 9.000 tỷ đồng nữa và gây áp lực lớn cho cân đối ngân sách năm nay” – Thứ trưởng Bộ Tài chính phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại, chính sách thuế mới sẽ trình Quốc hội xem xét theo trình tự thủ tục rút gọn tại kỳ họp tới (tháng 5-2013). Thời điểm áp dụng, mức thuế suất sẽ được quy định rõ. Những nội dung còn chưa đạt được sự thống nhất cao phải quán triệt nguyên tắc, “ưu đãi đã có thì hoặc giữ nguyên, hoặc ưu đãi thêm chứ không bớt đi”.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).