Giảm sức ép điều hành

ANTĐ - Sở dĩ Chính phủ chưa thông qua việc thành lập Công ty Quản lý tài sản do đề án chưa làm rõ việc xử lý nợ giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Nếu được thành lập thì công ty này sẽ phải làm gì để giải quyết được vấn đề xử lý nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp? Thực tế, nợ xấu ngân hàng và nợ vay tồn động của doanh nghiệp vẫn còn mù mờ và chưa bộc lộ hết tính phức tạp trong quan hệ vay mượn đôi bên. Vì thế nếu công ty này ra đời chỉ để gom nợ xấu về một mối nhằm “làm sạch” cân đối kế toán của ngân hàng thì hiệu quả chỉ được một nửa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải có giải pháp tích cực, thực chất hơn để thực sự đưa được vốn vào nền kinh tế, chứ không phải là những công bố giảm lãi suất mà doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh. Nếu chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thì tại sao nền kinh tế chưa “ấm” lên, số doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn gia tăng? Câu hỏi này được Phó Chủ tịch Quốc hội và nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. Vì vậy, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung bàn giải pháp để tháo gỡ chính sách tiền tệ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về chính sách kinh tế vĩ mô, Luật Ngân hàng Nhà nước quy định, hoạt động của ngân hàng nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc tế… Luật đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ với mục tiêu “kép” đã là phức tạp, trong khi chính sách tiền tệ của nước ta phải theo đuổi đa mục tiêu lại ngày càng phức tạp hơn. Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước còn phải theo đuổi mục tiêu ổn định thị trường vàng, giải cứu thị trường bất động sản… Trong những năm qua, lạm phát luôn là nỗi ám ảnh nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 tới nay, lạm phát đã được kiềm chế. Trước đây, tăng trưởng trông chờ nhiều vào chính sách tiền tệ cụ thể là trông vào nguồn cung tiền tăng cao mỗi năm đưa vào nền kinh tế coi như động lực cho tăng trưởng, thì nay đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Hàng năm, các nghị quyết của Quốc hội đều đè ra định hướng và mục tiêu về lạm phát, song kết quả thường không như mong đợi. Khi áp dụng điều hành chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu sẽ cải thiện được tình trạng này. Để áp dụng thành công chính sách này, việc cải cách điều hành chính sách tiền tệ là điều kiện tiên quyết, trong đó ổn định giá cả phải là mục tiêu hàng đầu và mục tiêu cuối cùng là ổn định giá trị đồng tiền.

Tại cuộc tọa đàm mới đây về giám sát tài chính - tiền tệ, giới chuyên gia trong và ngoài nước đều nhất trí rằng, Ngân hàng Nhà nước chịu sự quản lý của Chính phủ về cơ cấu tổ chức, nhưng về hoạt động phải độc lập tương đối trong xác định lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và chủ động sử dụng công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhắm tới mục tiêu lạm phát đề ra, giảm sức ép trong điều hành chính sách tiền tệ.