Giám sát mọi hoạt động quân sự đáng ngờ ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cộng đồng quốc tế đang nâng cao cảnh giác, luôn có những phản ứng kịp thời, giám sát “nhất cử nhất động” các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, điều mà Bắc Kinh đã ráo riết đẩy mạnh nhằm dùng sức mạnh hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp tại vùng biển chiến lược quan trọng này.
Một máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon bay trên vùng biển có tàu chiến tàng hình của hải quân Trung Quốc

Một máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon bay trên vùng biển có tàu chiến tàng hình của hải quân Trung Quốc

“Tai mắt” dõi theo mọi hành vi quân sự

Theo thông tin mới nhất, một máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon của Mỹ đã giám sát cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Trung Quốc ngày 21-4 trên Biển Đông. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không tiết lộ thêm thông tin về sự việc cũng như khu vực mà hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật.

P-8 Poseidon hiện là máy bay trinh sát chống ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị nhiều hệ thống cảm biến hiện đại, cùng nhiều vũ khí để tiêu diệt tàu ngầm ẩn mình sâu dưới biển. P-8 Poseidon được cho có khả năng phát hiện và tiêu diệt các loại tàu ngầm tàng hình tân tiến nhất của hải quân các nước trên thế giới hiện nay.

Trong khi đó, liên tiếp trong hai ngày 20 và 21-4, một máy bay trinh sát RC-135W của Mỹ đã có chuyến bay gần bờ biển phía đông Trung Quốc. Chiếc máy bay này cách Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nơi đặt trụ sở của hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc khoảng 40 hải lý. RC-135W là máy bay trinh sát thông tin chủ lực của Mỹ, được gắn thiết bị có thể bắt được tín hiệu phát đi từ "Telemetry", thiết bị đo từ xa trên mặt đất sử dụng trước khi phóng tên lửa, phân tích quỹ đạo đầu đạn tên lửa, đồng thời có thể truy theo dấu tích quỹ đạo của tên lửa đạn đạo từ khoảng cách xa bằng thiết bị điện tử quang học tối tân. Các phi vụ hoạt động của loại máy bay trinh sát này được cho là nhằm giám sát căn cứ tàu ngầm của đối phương nhằm đối phó với khả năng đối phương có thể tiến hành phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM).

Tuần trước, máy bay trinh sát điện tử của Mỹ cũng đã bay tuần tra dọc theo đường bờ biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, trước khi tiến về phía nam quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho rằng, các cuộc tuần tra gần bờ của máy bay do thám Mỹ nhằm thu thập thông tin tình báo về quân đội Trung Quốc, trong đó có lực lượng hải quân.

Việc Mỹ gia tăng các phi vụ tuần tra, trinh sát của những loại máy bay do thám điện tử tối tân dọc bờ biển Trung Quốc cũng như ở Biển Đông khi mà các cuộc tập trận, diễn tập của Trung Quốc diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Từ các cuộc tập trận của biên đội tác chiến tàu sân bay, các cuộc tập trận của tàu khu trục mang hệ thống phòng thủ chống tên lửa, tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo… cho tới những cuộc tập trung bất thường của lực lượng dân binh biển như mới đây ở sát đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn Đông trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các số liệu thống kê cho thấy, Mỹ đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) và bay trinh sát nhiều chưa từng thấy tại Biển Đông trong năm 2020. Theo đó, Mỹ đã thực hiện ít nhất 1.000 chuyến bay trinh sát trên vùng biển chiến lược với sự tham gia của ít nhất 10 loại máy bay trinh sát, tác chiến điện tử có người lái và không người lái khác nhau.

Cùng với trinh sát, tuần tra trên không, tàu chiến các loại của Mỹ còn tiến hành nhiều cuộc tuần tra, trinh sát trên mặt biển. Mới đây nhất, tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa USS Mustin đã bám sát cuộc tập trận của biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Đông của Trung Quốc, có thời điểm tiến sát tàu sân bay đầu tiên này của Trung Quốc ở khoảng cách rất gần, chỉ khoảng vài km.

Không để bị động, bất ngờ trước mọi toan tính phi pháp

Có thể nói, các hoạt động trinh sát, tuần tra, giám sát của Mỹ đối với các hoạt động của quân đội Trung Quốc liên quan tới Biển Đông tỷ lệ thuận với sự ráo riết quân sự hóa của Bắc Kinh ở vùng biển này. Trung Quốc cùng với sự trỗi dậy về sức mạnh kinh tế đã đầu tư mạnh mẽ để gia tăng sức mạnh quân sự, đặc biệt là sức mạnh trên biển với mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự hàng đầu trên đại dương.

Trung Quốc từ lâu đã lao vào quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông với toan tính không cần giấu giếm dùng sức mạnh quân sự để áp đặt, đòi chủ quyền ở vùng biển này. Sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) căn cứ theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), hồi tháng 7-2016 ra phán quyết khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng và gây hấn trong việc dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp.

Trung Quốc ỷ vào sức mạnh quân sự vượt trội của mình đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Không dễ huy động sức mạnh hải quân để cưỡng chiếm các thực thể ở Biển Đông như trước đây, Trung Quốc đã dùng “chiến thuật vùng xám” để chiếm quyền kiểm soát những thực thể thuộc quyền của quốc gia khác ở Biển Đông, trong đó điển hình là cưỡng chiếm bãi cạn Scaborough trước đó do Philippines kiểm soát.

Mỗi hoạt động quân sự ở Biển Đông những năm qua vì thế luôn được các quốc gia khu vực và các cường quốc thế giới có lợi ích gắn bó với vùng biển chiến lược quan trọng toàn cầu nay theo sát. Không giám sát và ngăn chặn kịp thời từ sớm, Trung Quốc với sức mạnh vượt trội so với các quốc gia quanh Biển Đông có thể biến thành “sự đã rồi”, dùng sức mạnh để hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền.

Việc tàu chiến tàng hình của Mỹ theo sát tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc khi chúng có hoạt động được cho là “quấy rối” một giàn khoan của Malaysia hồi tháng 5-2020 đã có sức răn đe lớn. Mới đây, việc các quốc gia liên quan có những động thái mạnh mẽ giám sát, răn đe đã khiến hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc tập trung bất thường ở đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn Đông nằm trong quần đảo Trường Sa buộc phải tản ra, không thể toan tính dùng “chiến thuật vùng xám” đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam này.

Các phi vụ giám sát của máy bay Mỹ, các chuyến tuần tra của hải quân Mỹ cùng các quốc gia đồng minh như Australia, Pháp, Anh… cùng các nước quanh Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia… rõ ràng đã giúp giám sát chặt chẽ mọi toan tính sử dụng sức mạnh quân sự nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền bất hợp pháp ở đây. Sự giám sát chặt chẽ “nhất cử nhất động” mọi hoạt động quân sự đáng ngờ ở Biển Đông giúp phát hiện sớm để không bị động, bất ngờ và cùng hợp tác ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó nguy hiểm nhất là dùng sức mạnh quân sự để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp, tham vọng “độc chiếm” Biển Đông.