Giám sát chặt dòng tiền

ANTĐ - Bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên nhưng nếu không có định hướng, thị trường sẽ lại rơi vào đổ vỡ như trong quá khứ. Thị trường đã và đang loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, chỉ dựa vào việc huy động vốn từ người mua nhà để làm dự án, thậm chí còn đem tiền đó đi đầu tư ngoài ngành. Đại diện Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định như vậy và khẳng định, để tránh rủi ro cho người mua nhà, doanh nghiệp làm dự án phải dựa vào thực lực tài chính của mình và vốn vay ngân hàng, chứ không đẩy rủi ro cho khách hàng.

Với lãi suất tiết kiệm và cho vay đang ở mức thấp, giá nhà hợp lý hơn nên người dân có nhu cầu nhà ở thực sự bắt đầu rút tiền để mua nhà. Tại một số dự án mà sản phẩm có giá trị lớn, bên cạnh một số người đầu tư nhỏ, có nhiều chỉ dấu cho thấy đã có sự tham gia tích cực của những nhà đầu tư lớn. Họ mua và không nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, bởi chênh lệch nếu có cũng chưa nhiều.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cho rằng, một khi hoạt động đầu tư này chuyển thành đầu cơ, có khả năng tạo ra những “cơn sốt ảo” cục bộ, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản như từng diễn ra trước đây. Đại diện Hiệp hội thừa nhận, không có giải pháp hoàn hảo để ngăn chặn đầu cơ theo kiểu lướt sóng. Song, trong một thị trường nguồn cung khá dồi dào hiện nay, người tiêu dùng vẫn có quyền lựa chọn những dự án của các chủ đầu tư uy tín, những sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình. Người tiêu dùng thông minh sẽ không chạy theo đám đông, lao vào những sản phẩm được cho là đang “nóng” để không rơi vào bẫy của chủ đầu tư. Bản thân các nhà đầu tư lớn cũng phải tỉnh táo, tránh ảo tưởng để không bị sa lầy, trắng tay.

Với dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 không vượt quá 5%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tiếp tục hạ trần lãi suất huy động xuống ít nhất 5%.  Thay vì đổ vào kênh tiết kiệm, nhiều khả năng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chảy vào bất động sản. Lạm phát càng xuống thấp, lãi suất càng hạ, thị trường bất động sản càng hấp dẫn hơn. Kiểu làm ăn “tay không bắt giặc” như trước phải nhường chỗ cho những nhà đầu tư có thực lực. Người mua nhà cũng biết “chọn mặt gửi tiền” thay vì đổ xô theo phong trào. Dẫu vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần có các công cụ tài chính để giám sắt chặt hơn “đường đi” của dòng tiền mà khách hàng nộp cho chủ dự án.