Giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

ANTĐ - Nhờ tổ chức xúc tiến thương mại một cách bài bản nên lần đầu tiên, vải thiều Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước, thay vì chủ yếu xuất sang Trung Quốc như trước đây. Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên ANTĐ xung quanh vấn đề này.
Giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ảnh 1

- PV: Năm 2015, lần đầu tiên quả vải Việt Nam cùng lúc được xuất khẩu đi nhiều nước. Công tác xúc tiến thương mại đối với quả vải đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Ông Đỗ Kim Lang: Ngay từ đầu mùa vải năm 2015, thương vụ Việt Nam tại một số thị trường đã làm việc tích cực để xúc tiến thương mại cho quả vải. Trước đây, xuất khẩu quả vải nói riêng và nhiều loại rau quả nói chung đều chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc. Vải thiều Bắc Giang đưa luôn sang Trung Quốc do thuận lợi về địa lý. Vải thiều Hải Dương thì xuất đi một số nước khác nhưng cách làm chưa đồng bộ. Năm nay, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã vào cuộc và thu được những kết quả tích cực bước đầu. Một số thị trường như Australia, Pháp… mới nhập khẩu thí điểm, nhưng họ đã có hướng muốn nhập khẩu lâu dài.

- Trong số các thị trường vừa mở cửa, có một số thị trường rất khó tính và để đưa hoa quả vào đây, cần rất nhiều thời gian. Vì sao cùng lúc các thị trường này đều cho phép nhập khẩu, thưa ông?

- Trước đây hầu như Việt Nam chưa xuất khẩu vải tươi. Để xử lý, bảo quản khi đó chỉ có phương pháp chiếu xạ, mà phương pháp này không thể làm cùng lúc với hàng nghìn tấn. Muốn xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu đòi hỏi phải có hạ tầng công nghệ, bảo quản, vận chuyển được dài hơn. Thế nên 60% lượng vải thiều của Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc. Năm nay thị trường xuất khẩu đa dạng hơn do  phương pháp trồng, thu hoạch, xử lý, bảo quản quả vải được áp dụng khoa học công nghệ để vươn tới những thị trường xa hơn, khó tính hơn.

- Mở cửa thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn. Theo ông, để giữ được thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần làm những gì?

- Doanh nghiệp cần hợp tác, kết nối thông tin chặt chẽ với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để không bỏ lỡ cơ hội. Ngoài ra, có thể thông qua các kênh bán lẻ: hệ thống siêu thị, doanh nghiệp của Việt kiều… tại các nước để xâm nhập vào thị trường. Tất nhiên, hàng xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm để không đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. 

- Sau quả vải, Cục Xúc tiến thương mại có kế hoạch xúc tiến bài bản loại quả nào nữa?

- Chúng tôi đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho quả thanh long và quả xoài đi các nước.