Giảm nỗi lo tồn kho

ANTĐ - Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng          4-2013 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho tiếp tục giảm xuống mức thấp rõ rệt và đang tiến dần về mức mà giới chuyên gia coi là “chấp nhận được” (12%). 

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế tạo, chế biến giảm liên tục từ tháng 1 đến tháng 4. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng khá so với mức tăng 5,6% đạt được trong tháng trước, nhưng mức tăng mới “nhích khẽ” và chỉ xoay quanh khoảng 5-6%, chưa đạt được mức kỷ lục 12-14% trước khi kinh tế rơi vào khó khăn như hiện nay. Song sản xuất đã le lói tín hiệu vượt qua giai đoạn trầm lắng. 

Chỉ số tồn kho, một trong những nỗi lo đè nặng nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, đang có xu hướng giảm dần khá tích cực. Một số chuyên gia lại nhìn nhận rằng, sở dĩ tồn kho giảm là do doanh nghiệp điều tiết hoạt động sản xuất để chủ động giải phóng hàng tồn đọng và phù hợp với nhu cầu thị trường. Dù vậy, khi tồn kho xuống thấp, sức tiêu thụ của nền kinh tế tăng dần vào thời gian tới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, chắc chắn sản xuất công nghiệp, “mũi nhọn” của tăng trưởng kinh tế sẽ khởi sắc trở lại trong những tháng tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho dù tình hình thu ngân sách 4 tháng đầu năm diễn tiến không mấy khả quan, nhưng Chính phủ vẫn thể hiện tinh thần “mạnh tay” chi với mong muốn sớm thúc đẩy cả nền kinh tế sôi động trở lại. Ngoài việc sẵn sàng triển khai một loạt giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như áp dụng các biện pháp giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và một số khoản thu ngân sách Nhà nước theo Nghị định 02 đã có tác động làm giảm thu ngân sách năm 2013, khoảng 5.300 tỷ đồng, Chính phủ còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ “trước mắt, đối với những nhiệm vụ chi quan trọng, nếu có khó khăn sẽ áp dụng các biện pháp như tạm ứng, cho vay”.

Theo đó, khẩn trương tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có thể xem xét cho ứng trước vốn. Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính nhận xét, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự sôi động, tinh thần của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2013 “nhìn chung là phù hợp với thực tế”. Tổng mức giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng lên 2,41% là con số rất thuận, khá ổn định, giúp công tác điều hành tự tin hơn. Nhìn lại tốc đột tăng thu ngân sách trong mấy năm gần đây thể hiện xu hướng giảm mạnh từ 29,4% năm 2010 xuống mức 9,8% năm 2012 là do thực hiện các biện pháp miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, xét về dài hạn, việc giảm mức huy động sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư. 

Để làm “ấm” lại cả một nền kinh tế, rõ ràng đòi hỏi nhiều giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ. Nỗi lo tồn kho đã giảm, cần phải tiếp sức cho doanh nghiệp để tạo ra xung lực mới. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, nhiều lợi nhuận. Nhờ đó nguồn thu ngân sách cũng sẽ dần ổn định và tăng trưởng trong trung và dài hạn.