Giảm nghèo ở đô thị

ANTĐ - Theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013, tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia ở một số thành phố lớn rất thấp: Hà Nội 2,66%, Đà Nẵng 0,83%, TP.HCM 0,2%... Nhìn nhận thực trạng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, người nghèo đô thị vẫn là “điểm mờ” trong chính sách giảm nghèo của cả nước. Một bộ phận lớn lao động di cư chưa được thụ hưởng chính sách như chăm sóc sức khỏe, học tập, nhà ở, việc làm. Đây chính là áp lực lớn lên các đô thị có đông lao động nhập cư. 

Báo cáo trước Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, kết quả đánh giá giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực chất do chuẩn nghèo duy trì trong một thời gian dài, không cập nhật chỉ số giá tiêu dùng và vẫn còn “bệnh thành tích” ở một số địa phương. Điều đáng lo ngại là, tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Bình quân cứ 3 hộ nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Tỷ lệ này được Ngân hàng Thế giới định nghĩa là “nghèo truyền kiếp”. Làm cách nào giúp người dân thoát cảnh nghèo luẩn quẩn này? Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt khoản tín dụng 60 triệu USD giúp tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam.

Hệ thống này sẽ giúp giảm bớt tình trạng manh mún của các chương tình giảm nghèo và bảo trợ xã hội với những mục tiêu trùng lặp. Chẳng hạn hiện có hơn một chục khoản giải ngân bằng tiền mặt “một cục” và định kỳ như hỗ trợ người tàn tật, cha mẹ đơn côi, trẻ mồ côi, người cao tuổi sống độc thân. Chính sự manh mún trong phân bổ ngân sách và cấp phát dẫn đến tình trạng kém hiệu quả đối với cơ quan thực hiện và người được thụ hưởng. 

Tại một số đô thị lớn, có những chính sách giảm nghèo khó với tới đối tượng nghèo như hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề… Ngay tại Hà Nội, hiện còn khoảng 45.700 hộ nghèo, chiếm 2,66% theo chuẩn nghèo quốc gia. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, mặc dù chỉ có gần 9% số lượng hộ nghèo sống ở thành phố (hơn 90% hộ nghèo ở nông thôn), nhưng số hộ này phần lớn lại khó có khả năng thoát “nghèo truyền kiếp”. Ngoài nguyên nhân do gia cảnh, thì tốc độ đô thị hóa, sức ép gia tăng dân di cư khiến hộ nghèo khó tiếp cận vay vốn, dịch vụ y tế, giáo dục. Theo kết quả điều tra của dự án “Hỗ trợ đánh giá sâu về nghèo đô thị ở Hà Nội và TP.HCM” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, 3 lĩnh vực thiếu hụt nhiều nhất đối với người nghèo đô thị là: tiếp cận an sinh xã hội, dịch vụ điện nước, y tế, giáo dục và nhà ở có chất lượng, diện tích phù hợp…

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, có một bộ phận dân cư nghèo đứng ngoài cuộc, không tiếp cận được các chính sách xã hội. Trong tương lai, tỷ lệ người nghèo đô thị rất có thể sẽ trầm trọng hơn người nghèo nông thôn. Vì vậy, cần phải nghiên cứu sâu hơn để xây dựng các chính sách thiết thực nhằm giúp người nghèo đô thị thoát khỏi cảnh nghèo luẩn quẩn.

Tin cùng chuyên mục