Giảm lãi suất, ổn định chính sách tiền tệ

ANTĐ - Làm thế nào để nền kinh tế phát triển ổn định và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế ra sao trong tình hình hiện tại… là những vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri quan tâm. Ông Trần Hoàng Ngân (ĐB TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ những vấn đề cần quan tâm nêu trên với báo giới, trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII.

- PV: Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp?

Ông Trần Hoàng Ngân: Hiện tại, có hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản và phía sau lưng các doanh nghiệp này là hàng triệu lao động thất nghiệp. Theo tôi, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn là do chúng ta đã để nền kinh tế bất ổn vĩ mô trong một thời gian dài, nên khi “điều trị” đã dẫn đến những tác hại phụ. Thế nhưng, đừng vì tác hại phụ mà ngưng “thuốc” và chúng ta cần có hai giải pháp ngắn hạn và trung - dài hạn đối với doanh nghiệp. 

- PV: Vấn đề này được hiểu như thế nào?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Nhóm ngắn hạn, nghĩa là giải quyết trước mắt những tồn tại đã được Chính phủ đưa ra. Nhưng, gói hỗ trợ của Chính phủ mới chỉ nhìn về hướng doanh nghiệp, còn các mặt hàng nông sản, lương thực là khu vực rất quan trọng, cần phải tăng cường các gói hỗ trợ và phải tăng cường trực tiếp cho các hộ nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp và diện gia đình chính sách. Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, Chính phủ cần tích cực theo đuổi các giải pháp dài hạn và quan tâm hơn đến chính sách tài khóa được hiểu là khi nới ở chỗ này, phải thắt chặt ngay chỗ khác. Bởi nếu chỉ nới không, sẽ mất cân đối ngân sách dẫn đến bội chi và lạm phát tăng cao. Chính vì vậy, cần phải thận trọng trong chính sách tài khóa. 

- PV: Chính sách tài khóa là như vậy, còn chính sách tiền tệ sẽ thế nào?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đối với chính sách tiền tệ, cần có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ theo hướng Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ hướng lãi suất giảm và ổn định lâu dài. Không thể để xảy ra tình trạng năm nay giảm, năm sau tăng, rồi sau đó lại giảm… khiến các doanh nghiệp không thể dự báo được tình hình. 

- PV: Nhằm tăng gói kích cầu, Chính phủ đã đề xuất miễn giảm mạnh hơn thuế VAT và giảm miễn thuế thu nhập cá nhân, ông đánh giá vấn đề này ra sao?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Nền kinh tế hiện nay và đặc biệt là việc cân đối ngân sách đang bội chi rất lớn. Trong khi đó nguồn thu eo hẹp, nên giảm thuế để hỗ trợ, nhưng phải động viên khai thác để tăng nguồn thu và phải nhìn về những giải pháp dài hạn, tức là đề án tái cấu trúc nền kinh tế.