Giảm lãi suất không phải là giải pháp duy nhất

ANTĐ - Theo các chuyên gia, cần có các giải pháp đồng bộ thực hiện để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn. 
Giảm lãi suất không phải là giải pháp duy nhất ảnh 1
Lãi suất đã giảm mạnh kể từ đầu năm


Tại buổi hội thảo “Khơi thông dòng vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), phối hợp với Cổng thông tin điện tử laisuat.vn tổ chức sáng qua (31-5), Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN đánh giá: 
“Tính đến nay có thể nói mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, khoảng từ 2-4%/năm so với đầu năm. Các doanh nghiệp vay mới với lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8-10%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-12%/năm. Trong đó, đối với khách hàng tốt chỉ từ 7-8%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006”.
Đối với các khoản vay cũ, các doanh nghiệp cũng được các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về tối đa không quá 15%/năm. Đến nay, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 12,9%, giảm mạnh so với mức khoảng 65% vào thời điểm trước 15-7-2012
Trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm bởi các ngân hàng thương mại Nhà nước đã có cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm.
“Đáng chú ý là để tháo gỡ nút thắt gây khó khăn trong quan hệ tín dụng của doanh nghiệp với ngân hàng, NHNN đã ban hành quyết định cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng. 
Từ khi triển khai đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 280.000 tỷ đồng, điều đó cũng có nghĩa là các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tính đến hết ngày 22-5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,29%. Nguyên nhân có thể kể đến là do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, đầu ra cho thị trường bị tắc nghẽn, tổng cầu yếu. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, không có dự án kinh doanh khả thi, không chứng minh được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ, nhiều doanh nghiệp còn nợ đọng...

Chia sẻ tại buổi hội thảo bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Để góp phần lưu thông dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, mà cần có các giải pháp đồng bộ thực hiện để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn”.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cho rằng: “Mặc dù đã giảm lãi suất, ngân hàng mong muốn cho vay được nhiều hơn, nhưng vốn vẫn không ra được. Ngoài lý do của ngân hàng và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. 
Chúng ta cũng nên giải quyết nợ đọng cho doanh nghiệp. Ở vị trí ngân hàng, chúng tôi cũng lo ngại nợ xấu nhưng không đến nỗi bi quan. Nợ xấu không thể giải quyết trong vòng 1 năm mà phải từ 3-5 năm, giải quyết phụ thuộc vào cái gốc là doanh nghiệp và chúng ta có niềm tin nợ xấu sẽ được cải thiện”.