Giảm lãi suất có cứu được doanh nghiệp?

ANTĐ - Khi nói tới tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không ít ý kiến chủ quan cho rằng lãi suất cao là  một trong những nguyên nhân dẫn tới các doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để “cứu” doanh nghiệp trong thời điểm này cần nhiều biện pháp phối hợp. 

Ngân hàng tung nhiều gói cho vay giá rẻ 

Cùng với việc giảm lãi suất, các doanh nghiệp mong thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại

Sau quyết định giảm trần lãi suất huy động từ mức 13%/năm xuống còn 12% mới đây của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất “ưu đãi” dành cho doanh nghiệp. Đầu tiên phải kể tới nhóm các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã có động thái kịp thời giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. 

Các ngân hàng TMCP cũng tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp với hạn mức lên tới hàng nghìn tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp. Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) cho biết, từ ngày 16-4, Maritime Bank hạ lãi suất tín dụng đối với nhiều nhóm doanh nghiệp với mức lãi suất tối thiểu là 15%. Maritime Bank dành 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, thuốc, hóa dược, thiết bị y tế, cao su, nhựa… với lãi suất ưu đãi (16-18%). Đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, ngân hàng áp dụng mức lãi suất chỉ từ 15% và quy mô vốn vay là 5.000 tỷ đồng. Chương trình sẽ được áp dụng từ 16-4 đến 31-5-2012 hoặc tới khi giải ngân hết hạn mức.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã triển khai chương trình dành 5.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu năm 2012. 

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thực hiện giảm lãi suất cho vay trung bình đến 2%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012 và dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình…. 

Phối hợp nhiều “loại thuốc”

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng mới chỉ tạo ra tâm lý lạc quan, còn thực tế tình hình doanh nghiệp vẫn gặp vô vàn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng nhanh, nguy cơ đình đốn sản xuất đã lộ rõ. Điều này cũng đã được Chính phủ nhìn nhận trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại phiên họp báo thường kỳ tháng 3-2012 cho thấy, trong quý I có 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Những con số trên cũng phần nào minh chứng cho tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thông điệp giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này không nhiều. Hiện nay lãi suất cho vay, tuy có được hỗ trợ, những cũng vẫn xoay quanh mức 17 - 19%/năm, mức lãi suất này vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. 

Nhìn nhận một cách tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam từ đầu năm tới nay, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn như: tổng cầu sụt giảm, tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, lạm phát vẫn đứng ở mức cao dù trong xu hướng giảm dần, hệ thống tài chính ngân hàng bộc lộ nhiều rủi ro trong quá trình cải cách, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn với giá hợp lý”.

Còn về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng hầu hết đang gặp khó khăn cả về vốn và thị trường tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ suy giảm khiến tồn kho tăng mạnh nên doanh nghiệp có vay được vốn với lãi suất ưu đãi chưa chắc đã cải thiện được tình hình. 

Đánh giá về việc giảm lãi suất xuống 12%, phía doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng biện pháp này chưa giúp ích được gì nhiều. Điều mà các doanh nghiệp mong mỏi là thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại để có thể tiêu thụ được hàng tồn kho. Khơi thông được lực cầu sẽ giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp, do đó cần phải có một lực cung tiền của Chính phủ cho lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất. Vấn đề là giải cứu doanh nghiệp bằng cách nào trong bối cảnh lạm phát luôn rình rập?

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giải cứu nền kinh tế, Chính phủ đã làm rất nhiều việc và thời gian tới sẽ còn rất nhiều giải pháp được đưa ra với tinh thần chung là giảm thuế, xem xét giảm lãi suất... Một loạt các chính sách khác là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng sức cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ không chuẩn sẽ khiến cho lạm phát quay trở lại vào năm sau.