Giảm gánh nặng nợ công

ANTĐ - Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Nếu nhìn vào các con số báo cáo thì bình quân nợ theo đầu người của nước ta hiện là 859,05 USD/người, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì nước nợ công của Việt Nam không cao. Thậm chí, nếu so với một số cường quốc thì nợ công của nước ta có thể coi là thấp. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta đã tính toán một cách chuẩn xác, đúng thực chất nợ công chưa? Rủi ro tiềm ẩn lớn nhất đối với nợ công không phải ở những khoản nợ trên sổ sách, mà những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chính là mầm mống đe dọa sự an toàn của nợ công.

Theo số liệu mới nhất, tổng nợ của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ là 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương 52,5% GDP. Mặc dù không thuộc diện bảo lãnh nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ, không trả nợ đúng hạn hoặc có nguy cơ phá sản.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu cộng cả số nợ này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì nợ công của nước ta hiện nay sẽ lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn là 65%. Rõ ràng, nếu không có thống kê đầy đủ, công bố minh bạch thì việc quản lý nợ công sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thực chất nợ đi vay của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn phải dùng vốn của Nhà nước để trả. Nếu con số nợ công ở mức 72 tỷ USD theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, thì có thể coi là “vẫn trong tầm kiểm soát”. Song, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, mức nợ công của nước ta đã vượt xa con số an toàn. Xét trong bối cảnh nước ta hiện bội chi ngân sách ở mức cao và luôn gia tăng thì khả năng tự trả nợ là rất khó khăn. Để duy trì được, chỉ còn cách đi vay nợ mới để trả các khoản nợ cũ. Như vậy, nợ chồng lên nợ, thời gian còn lâu mới trả hết.

Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân thu nhập đầu người năm 2013 của Việt Nam là 1.960 USD. Với thu nhập này, nước ta mới ra khỏi nhóm nước nghèo. Lo cân đối thu chi đã khó, vậy làm sao tiết kiệm để trả nợ? Khi nước ta được công nhận có nền kinh tế trung bình thì ưu đãi lãi suất khi vay nợ quốc tế không còn, khi đó khoản vay gốc cũng như lãi phải gánh hàng năm sẽ gia tăng. Ý kiến đề xuất của một số chuyên gia cho rằng, để giảm bớt gánh nặng nợ công thì phải giảm bớt gánh nặng chi tiêu công. Việc tái cơ cấu đầu tư công được xem là giải pháp cấp bách cần thực hiện. Để cắt giảm đầu tư công hiệu quả, cần thiết lập lại kỷ cương tài khóa, giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng việc thu, mà là giảm chi trên cơ sở tăng hiệu quả chi tiêu. Đặc biệt, cần kiên quyết thu hồi các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đánh giá đúng tình trạng nợ công để thấy nguy cơ mất an toàn nằm ở những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Vì vậy, cần thiết lập ngưỡng an toàn nợ công, thường xuyên đánh giá các rủi ro từ các khoản vay nợ; công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công, trả nợ.