Giám đốc quỹ tín dụng làm “bay hơi” 14 tỷ đồng

ANTĐ - Trong 2 ngày 9 và 10-8, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Phạm Thị Hiền, nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Các bị cáo sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật

Ngoài bị cáo Phạm Thị Hiền thì một số đồng phạm khác cũng phải hầu tòa gồm: Lê Thanh Uyển (SN 1980) nguyên thủ quỹ, Hoàng Văn Dâng (SN 1945) nguyên Chủ tịch HĐQT, Lê Khắc Tùng (SN 1952) nguyên kế toán trưởng và Nguyễn Thế Hiệp (SN 1983) nguyên cán bộ kiểm soát thường trực quỹ tín dụng Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, ngày 21-9-2009, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội tiến hành kiểm tra và kiểm kê toàn bộ tài sản trong kho quỹ tiền mặt và các hoạt động của quỹ tín dụng Phương Tú đã phát hiện số tiền tồn trong quỹ theo như sổ sách gần  1,2 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ có hơn 19 triệu đồng! Trong quá trình kiểm tra sổ sách còn phát hiện 208 trường hợp vay nhưng hồ sơ tín dụng xin vay vốn lưu tại quỹ bị… mất, trong đó 15 hồ sơ mất toàn bộ, còn 83 hồ sơ chỉ có phiếu chi tiền và nhận nợ. Đối chiếu với 208 khách hàng thì tổng số tiền bị thất thoát tại quỹ tín dụng này là hơn 14 tỷ đồng.

Tại CQĐT, thủ quỹ Lê Thanh Uyển khai đã lập 4 hồ sơ giả để rút trong quỹ 250 triệu đồng. Phạm Thị Hiền cũng chỉ khai nhận lập 79 hồ sơ giả nhưng CQĐT đã làm rõ giám đốc quỹ tín dụng này đã trực tiếp làm giả 81 hồ sơ chiếm đoạt số tiền 5 tỷ 241 triệu đồng. Với số tiền bị thất thoát hơn 8 tỷ đồng còn lại vì do đã mất hồ sơ chứng từ nên CQĐT không đủ căn cứ để xác định đối tượng chiếm đoạt. Nhưng trong số tiền trên cả Phạm Thị Hiền và Lê Thanh Uyển vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi để thâm hụt tiền và liên đới bồi thường.

Trong quá trình hoàn tất hồ sơ vụ án, CQĐT cũng làm rõ trách nhiệm của chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Dâng vì để Hiền và Uyển “tự tung, tự tác” với số tiền của quỹ tín dụng. Bản thân Dâng cũng đã lập 10 hồ sơ không đúng quy định để rút 592 triệu đồng chi tiêu cá nhân. Khi sự việc vỡ lở, Dâng lập tức khắc phục toàn bộ hậu quả trước khi khởi tố vụ án nên “may mắn” không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Theo đó, cả kế toán trưởng Lê Khắc Tùng và cán bộ kiểm soát thường trực Nguyễn Thế Hiệp cũng bị liên đới chịu trách nhiệm hình sự vì đã để thất thoát số tiền lớn trong quỹ. Hoàn tất hồ sơ vụ án, VKSND thành phố Hà Nội đã quyết định truy tố Phạm Thị Hiền, Lê Thanh Uyển về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; còn Hoàng Văn Dâng, Lê Khắc Tùng và Nguyễn Thế Hiệp tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên sau 2 ngày xét xử, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên HĐXX đã quyết định sáng thứ 2 ngày 15-8, phiên tòa sẽ tiếp tục.