Giám đốc ngồi tù vì "chạy" đất tái định cư và giá cả đền bù

ANTĐ - Nắm được tâm lý muốn có thêm đất tái định cư của một số người khi phải giải phóng mặt bằng ở tuyến phố Ngô Gia Tự, Đăng nhanh chóng bảo họ dốc tiền ra “chạy”. Qua đó, đối tượng đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của những người bị hại

Sau khi phải tạm hoãn vào trung tuần tháng 5 vừa qua, chiều 6-7, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử đối với Đặng Văn Đăng (SN 1975, trú ở phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS. Bị hại là gia đình bị giải phóng mặt bằng (GPMB) khi mở rộng tuyến phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên.

Mở tòa, HĐXX làm rõ Đặng Văn Đăng thành lập Công ty CP DAMASA (Công ty DAMASA) vào năm 2008 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và đặt trụ sở trên phố Ngô Gia Tự. Năm 2010, tuyến phố này phải GPMB nên Đăng chuyển công ty vào Khu đô thị Việt Hưng ở gần đó.

 Đặng Văn Đăng tại phiên tòa sơ thẩm   

Cùng thời điểm, Giám đốc Công ty DAMASA cũng nhanh chóng nắm được tâm lý muốn có thêm diện tích đất tái định cư của một số hộ dân phải di chuyển khỏi phố Ngô Gia Tự nên lập tức gạ gẫm họ “chạy” đất ở mới và cả giá cả đền bù.

Một trong những người tin tưởng và nhờ Đăng “chạy chọt” là ông Nguyễn Hữu Nhạ (ở phường Giang Biên, quận Long Biên). Theo đó, năm 2010, gia đình ông Nhạ phải GPMB gần 200m2 và được cấp 90m2 đất tái định cư tại phường Giang Biên.

Mong muốn được thêm suất đất tái định cư, một ngày đầu tháng 8-2010, ông Nhạ tìm đến công ty của Đăng đưa 2 tỷ đồng cho đối tượng. Cầm tiền trong tay, Giám đốc Công ty DAMASA cam kết chỉ sau 2-3 tháng là ông Nhạ có được điều mong muốn. Tuy nhiên đến hẹn, ông vẫn Nhạ không thấy “tăm hơi” đất tái định cư đâu.

Bị “khách hàng” truy hỏi và đòi lại tiền, Đăng trả là: “Đã đưa hết cho những người có thẩm quyền cấp thêm đất đền bù rồi”. Sau đó, ông Nhạ tiếp tục chờ đợi nhưng vẫn không thấy gì, do đó lại đến yêu cầu Đăng trả tiền thì được đối tượng viết giấy nhận nợ.

Sau đó, cuối năm 2011, được Đăng hướng dẫn viết đơn khiếu nại gửi tới cấp có thẩm quyền nên ngày 7-5-2012, gia đình ông Nhạ được UBND quận Long Biên xem xét và cấp thêm cho 30m2 đất tái định cư nữa. Mặc dù chẳng biết Giám đốc Công ty DAMASA có vai trò gì trong phần diện tích đất tái định cư được cấp thêm không, song ông Nhạ vẫn chấp nhận đối trừ cho Đăng 1 tỷ đồng.

Số tiền còn lại, ông Nhạ kiên quyết truy đòi vì thực tế Đăng không làm được gì. Vậy nhưng sau  nhiều lần hứa hẹn, rồi lại trì hoãn, Giám đốc Công ty DAMASA vẫn không chịu hoàn trả cho bị hại này. Cực chẳng đã, ông Nhạ buộc phải tố cáo hành vi lừa đảo của giám đốc doanh nghiệp tới cơ quan công an.

Cũng giống như ông Nhạ, sau khi bị GPMB hơn 100m2 và được cấp 79m2 đất tái định cư, bà Nguyễn Thị Ngọc (trú ở phường Đức Giang, quận Long Biên) cũng muốn được thêm một phần diện tích đất tái định cư nữa. Nghe một số người giới thiệu, tháng 8-2010, bà Ngọc cũng đến gặp Đăng nhờ “chạy” cho 40m2 đất ở mới với chi phí 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty DAMASA còn tiếp thị sẽ giúp bà Ngọc thay đổi được giá đền bù đất bị thu hồi từ 16 triệu đồng/m2 lên con số gấp đôi. Đổi lại, gia đình người phụ nữ bị thu hồi đất ở phố Ngô Gia Tự phải trả cho Đăng 700 triệu đồng. Tin tưởng vào những lời nói không có căn cứ, bà Ngọc cũng đưa ngay 1,7 tỷ đồng cho “cò”.

Và về sau, do gia đình bà Ngọc khiếu nại nên được cơ quan chức năng cấp thêm cho 28m2 đất tái định cư nữa. Qua tìm hiểu, bị hại thứ hai của Đăng được biết đối tượng không giúp ích được gì trong việc nhận thêm đất tái định cư. Đối với giá cả đền bù diện tích đất bị thu hồi, bà Ngọc cũng không nhận thêm được đồng nào.

Sau khi bị khởi tố điều tra, Đăng mới chỉ khắc phục được một phần hậu quả cho các bị hại… Với hành vi gian dối nêu trên nên kết thúc phiên xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đặng Văn Đăng 14 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Cùng với đó, tòa cũng buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt của các bị hại.