Giám đốc Công an Nghệ An: "Đã bắt 8 đối tượng thuộc đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép"

ANTD.VN - Sáng 4-11, thảo luận về công tác phòng chống tội phạm năm 2019 tại Quốc hội, ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã thông tin về vụ 39 người thiệt mạng trong xe container tại Anh, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu thảo luận tại Quốc hội, sáng 4-11

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đánh giá, vụ 39 người chết trên xe container tại Anh là vụ việc rất đau lòng, gây chấn động dư luận quốc tế và trong nước những ngày qua.

Tại nghị trường Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia định bị nạn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, vụ việc xảy ra tại Anh nên dù với bất kỳ tội danh gì sẽ do cơ quan chức năng của Anh kết luận. Còn pháp luật Việt Nam chúng ta, đây là hành vi tổ chức, môi giới đưa người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Bộ luật Hình sự.

“Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án. Hôm qua (3-11), chúng tôi đã bắt 8 đối tượng có liên quan tới đường dây này. Chúng tôi sẽ làm nghiêm, đúng với quy định của pháp luật”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin.

Thảo luận thêm về vụ việc, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng hiện trong nước có những tội phạm tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, móc nối, thông đồng, cung cấp người cho các nhóm buôn người.

“Cho dù là băng nhóm tổ chức buôn người hay đưa người ta nước ngoài trái phép thì vừa qua Công an tỉnh Nghệ An đã có những biện pháp mạnh mẽ để điều tra 8 đối tượng có dấu hiệu đưa người ra nước ngoài. Đây là hoạt động rất tích cực của cơ quan Công an để ngăn chặn hành vi tương tự”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nói.

Ông Nguyễn Văn Chiến cũng đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan liên quan việc để người ra nước ngoài lao động trái phép hoặc rơi vào tay băng nhóm tội phạm buôn người, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan du lịch khi để người dân ra nước ngoài mà không quản lý được.

Cũng nêu ý kiến về vụ việc, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá đây là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước, đồng thời đề nghị cần có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc để không tái diễn vụ việc đáng tiếc.

Theo ông Cường, thực trạng người Việt Nam đi lao động “chui” không mới. Người xuất khẩu lao động “chui” đã bị lợi dụng, ép buộc, phải làm việc trong điều kiện tồi tệ hoặc bắt buộc phải làm việc phi pháp.

Đối tượng phạm tội chính của tội phạm này thường là người nước ngoài hoặc sống ở nước ngoài, bị hại trong nhiều trường hợp không có thông tin về đối tượng. Từ phân tích trên, vị ĐBQH đề nghị Chính phủ, cơ quan tư pháp Trung ương làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc, rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những quản lý bất cập; quán triệt phương châm “phòng là chính”, tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới; chú trọng thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đưa nạn nhân về với gia đình; tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp…