Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ từ chức

ANTD.VN - Ông James Clapper, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ ngày 17-11 thông báo, ông đã đệ đơn xin từ chức. Động thái này khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump phải tìm người xứng đáng thay thế ông Clapper trong chính quyền mới.

Tín hiệu đẩy nhanh chuyển giao quyền lực

“Tôi đã đệ đơn từ nhiệm từ tối qua (16-11) và cảm thấy khá ổn. Tôi còn 64 ngày nữa là rời nhiệm sở”, ông Clapper phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, khi Hạ nghị sĩ bang California, Adam Schiff  thuộc Đảng Dân Chủ nói đùa rằng vị Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ nên tiếp tục ở lại 4 năm nữa.

Thông báo của ông Clapper không làm những nhân viên trong ngành an ninh ngạc nhiên vì từ nhiều tháng qua, vị Giám đốc này hay nói với cấp dưới rằng ông đếm từng ngày cho đến khi về hưu.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia xác nhận, đơn từ chức của ông Clapper sẽ có hiệu lực từ trưa 20-1-2017, đúng ngày ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, chính thức thay ông Barack Obama đảm nhiệm cương vị ông chủ Nhà Trắng.

Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đưa ra quyết định trên sau khi Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đề nghị 4.000 quan chức trong chính quyền của ông đệ đơn từ chức trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Ông Clapper là nhân vật cao cấp đầu tiên trong chính quyền của ông Obama thực hiện điều này.

Việc ông Clapper đệ đơn từ chức diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lựa chọn các thành viên nội các. Các nhà phân tích tin rằng, động thái của ông Clapper là tín hiệu thúc giục chính quyền của ông Trump cần phải đẩy nhanh việc chuyển giao quyền lực.

Ông Trump bác bỏ rằng nhóm chuyển giao của ông đang gặp rắc rối, dù đến nay mới có hai vị trí được bổ nhiệm gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng và Cố vấn cấp cao và chiến lược, trong khi còn quá nhiều đồn đoán xung quanh những chức vụ quan trọng khác như Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Tư pháp. 

Việc ông Clapper đệ đơn từ chức sẽ khiến chính quyền mới của ông Donald Trump phải tìm người xứng đáng thay thế. Sau quyết định ra đi của ông Clapper, dư luận cho rằng người nhiều khả năng có thể thay thế là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng, Trung tướng đã về hưu Ronald Burgess.

Lãnh đạo hơn 100.000 nhân viên 

Trong buổi điều trần hôm 17-11, Clapper cho biết, hơn 50 năm làm việc trong quân đội và tình báo, ông chưa bao giờ chứng kiến những thách thức mà Mỹ phải đối mặt như hiện nay.

Khi được hỏi về những mối đe dọa nào khiến Mỹ lo ngại nhất trong 5-10 năm tới, ông Clapper liệt kê những thách thức đến từ các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran, cũng như các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay những thách thức trong không gian mạng.

Theo vị Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ, việc ngăn chặn những vụ tấn công như vụ tấn công hồi tháng 6 vào hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida cũng nằm trong những số những vấn đề khiến ông lo lắng. “Đó là một vấn đề rất phức tạp”, ông Clapper nói. 

Với cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ, ông Clapper đóng vai trò là cố vấn tình báo chính cho Tổng thống Barack Obama. Công việc của ông Clapper là điều phối hoạt động của 17 tổ chức khác nhau như Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) hay Cơ quan Trinh sát quốc gia (NRO). Ông lãnh đạo hơn 100.000 nhân viên với ngân sách tổng cộng hơn 52 tỷ USD. 

Sinh ngày 14-3-1941, ông Clapper bắt đầu sự nghiệp hơn 50 năm của mình với vai trò của một xạ thủ trong Thủy quân lục chiến. Sau một thời gian ngắn, ông chuyển sang Không quân Hoa Kỳ. Ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) từ năm 1992-1995, trước khi nghỉ hưu và làm việc trong lĩnh vực tư nhân.

Tháng 9-2001, ông trở lại phục vụ trong chính quyền với vai trò Giám đốc dân sự đầu tiên của Cơ quan Bản đồ quốc gia thuộc Lầu Năm Góc. Đến tháng 8-2010, ông trở thành Giám đốc thứ tư của Cơ quan Tình báo quốc gia và tại nhiệm cho đến nay. 

Quãng thời gian này của ông Clapper gắn liền với vụ rò rỉ tài liệu NSA thu thập dữ liệu cá nhân quy mô lớn của người dân Mỹ mà không được họ cho phép. Tháng 3-2013, ông Clapper bác bỏ trước Quốc hội việc NSA thu thập dữ liệu đó từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ.

Vài tháng sau, cựu nhân viên NSA, Edward Snowden tung ra tài liệu cho thấy trên thực tế NSA đã thu thập những dữ liệu này, từ đó dẫn đến những cáo buộc cho rằng ông Clapper đã nói dối Quốc hội và yêu cầu ông phải từ chức.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Matxcơva (Nga) vào năm 2014, Snowden nói rằng, chính việc ông Clapper phủ nhận vấn đề đã thúc đẩy cựu nhân viên NSA này tung ra những tài liệu tối mật để phanh phui chương trình do thám quy mô lớn trên.