Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói về thiếu thuốc và nhiều máy móc xã hội hóa đang “đắp chiếu”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ xảy ra tình trạng thiếu thuốc mà Bệnh viện Bạch Mai cũng như một số bệnh viện lớn khác còn đang phải đối mặt với tình trạng nhiều máy móc xã hội hóa “đắp chiếu” vì vướng mắc pháp lý…
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ (Ảnh VGP)

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ (Ảnh VGP)

Sáng nay, 12-8, tại buổi Tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thiếu thuốc chữa bệnh đang là vấn đề rất nóng, không phải với riêng Bệnh viện Bạch Mai mà của cả ngành y tế.

Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, sau khi dịch Covid-19 kiểm soát tốt, bắt đầu sang quý II/2022, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tăng lên đột biến, bởi nhiều lý do, lượng bệnh nhân ở hầu hết chuyên khoa đều tăng đến 5 lần. Điều này làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay càng thiếu trầm trọng hơn.

Về nguyên nhân, ông Cơ cho rằng, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia triển khai chậm, chưa kịp thời là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện hiện nay.

Với Bệnh viện Bạch Mai, do tự dự báo sau khi dịch bệnh được kiểm soát chắc chắn bệnh nhân sẽ tăng nên bệnh viện đã chủ động đấu thầu mua sắm, vì vậy không bị bị động trong vấn đề cung ứng thuốc.

“Tuy nhiên, bệnh viện vẫn thiếu những thứ thuốc thiết yếu vì không có nhà cung ứng. Cái đấy chúng tôi bó tay. Ví dụ như thuốc rất đơn giản, trước đây rất dễ, là diazepam tiêm tĩnh mạch cho người bệnh cấp cứu tâm thần kinh. Hiện tại không có ai cung ứng, có trúng thầu họ cũng không cung ứng được. Rồi một số loại kháng sinh rất thiết yếu nhưng lại không có nhà cung ứng...” - PGS.TS. Đào Xuân Cơ nói.

Như vậy, việc thiếu thuốc còn có nguyên nhân khách quan là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thậm chí một số thuốc kháng sinh mình đang sản xuất được thì nguyên liệu nhập vào bị cắt từ bên ngoài, không cung ứng được.

Tương tự, về tình trạng thiếu vật tư tiêu hao và sinh phẩm y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đầu tiên là khó khăn ở chuỗi cung ứng. Hiện nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong thầu, trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các công ty, đơn vị phân phối không cung cấp được.

Mặt khác, các công ty được trao thầu, mời thầu thì không chào thầu, không tham gia thầu, bởi lẽ sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều công ty có sản phẩm thông dụng, phổ biến, thiết yếu đã bị đứt chuỗi và phá sản, không thể cung ứng được.

Về cơ sở pháp lý cũng có nhiều điểm vướng. Theo ông Cơ, hiện tại một số văn bản pháp quy, một số thông tư, nghị định không còn cập nhật nữa như Thông tư 14 trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư.

“Khi chúng tôi bắt tay vào làm thì thấy những quy định không mang tính cập nhật nữa, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu. Hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo sửa Thông tư 14, 15 liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư. Bộ Tài chính cũng đang tích cực sửa Thông tư 58…” – ông Cơ nói và mong muốn những văn bản pháp quy phải trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai

Về tình trạng nhiều thiết bị y tế xã hội hóa đang “đắp chiếu” gây lãng phí, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hoá trong công tác y tế. Do vậy, rất nhiều thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động.

Thứ hai là các cơ quan hậu kiểm, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hoá ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, các thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện.

Từ đó dẫn đến thực trạng các máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật … là những thiết bị hiện đại nhưng vướng vào pháp lý, vướng vào các quy định.

Mặc dù được các cơ quan chức năng, tư pháp ủng hộ đưa ra hoạt động trở lại để phục vụ thăm khám, chăm sóc cho người bệnh, nhưng còn vướng vấn đề pháp lý như đã hết hợp đồng, nên BV Bạch Mai không thể đưa vào hoạt động cho người bệnh có bảo hiểm y tế.

Những máy này giờ đưa vào hoạt động cũng không phục vụ được người bệnh có bảo hiểm y tế bởi vì vấn đề pháp lý liên quan đến thanh toán bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm hiện tại không thể thanh toán cho người bệnh nếu bệnh viện sử dụng các loại máy này.

Trước thực trạng đó, ông Cơ cho biết, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã có các văn bản, báo cáo cụ thể với Bộ Y tế, các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hà Nội, tháo gỡ những vướng mắc này, cùng chung tay để đưa các thiết bị y tế đang 'đắp chiếu' vào sử dụng, phục vụ người bệnh.