Giảm chi tiêu công, ai sẽ giảm, giảm ở đâu?

ANTĐ - Bội chi ngân sách, bộ máy biên chế cồng kềnh, lãng phí hội họp, lễ hội, công tác nước ngoài… là những vấn đề mà gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng đặt ra, cùng với đó là nhiều giải pháp mạnh mẽ ở tầm vĩ mô đã được đề xuất, mổ xẻ. 

Thế nhưng sau tất cả những đề xuất, giải pháp ấy, bộ máy biên chế vẫn cứ phình to, chi tiêu công vẫn cứ tăng đều đều, nợ công thì cứ lùi lũi tiến lên, nếu giữ nguyên đà “tăng trưởng” này thì nợ công sẽ chạm giới hạn cho phép chỉ trong vài năm tới (dự kiến hết năm 2016, ước nợ công là trên 63%, trong khi giới hạn cho phép là 65%).

Từ năm 2013 Chính phủ đã không thể cân đối được các khoản vay để trả lãi và nợ gốc dẫn đến phải vay nợ mới để trả cho một phần nợ cũ. Cụ thể, năm 2013 vay để đảo nợ là 40.000 tỷ; năm 2014 là 77.000 tỷ, năm 2015 là 125.000 tỷ. Những con số này cứ đến hẹn lại lên, năm sau cao hơn năm trước, đặt thêm gánh nặng lên nền kinh tế và ngân sách Nhà nước.

Đã đến lúc phải “thắt lưng buộc bụng”. Thật ra không phải bây giờ mới đến lúc, mà chúng ta đã xác định, đã hô hào và thực hiện từ nhiều năm trước.

Giảm đầu tư công, giảm chi tiêu công và chi thường xuyên, tinh giản biên chế, tăng các khoản thu ngân sách… đều đã được áp dụng. Thế nhưng… vẫn cứ bội chi. Vậy, phải chăng chúng ta có giải pháp đúng, nhưng thực hiện có vấn đề. Phải chăng cứ hô hào, ai cũng nghe, ai cũng nhất trí, nhưng không biết ai, cơ quan nào sẽ “thắt lưng buộc bụng”, và cụ thể sẽ thắt ra sao. Cử tri gần như không nhận được một cam kết liên quan trực tiếp đến hành động của một cá nhân, một tổ chức cụ thể nào nhằm tiết kiệm những đồng tiền đóng thuế của người dân.

Năm nay, những giải pháp tiết kiệm chi tiêu công lại được để xuất quyết liệt hơn. Đại diện của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh về một dự thảo nghị quyết cho năm 2016 với những điểm rất quan trọng như hạn chế tối đa hội nghị, hội thảo không cần thiết, thực hiện cơ chế khoán xe công đối với một số chức danh... Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tạm “đóng băng” mức bội chi ngân sách Nhà nước 254.000 tỷ đồng của 2016 cho 3 năm kế tiếp. Tạm đóng băng biên chế bộ máy quản lý Nhà nước trong 3 năm để đánh giá, xác định lại vị trí việc làm của cán bộ, công chức tiến đến giảm mạnh biên chế vào các năm tiếp theo.

Thật ra, đó là những giải pháp không mới, nhưng không biết trong dự thảo nghị quyết có thể sẽ được áp dụng trong năm tới này, nó sẽ được cụ thể hóa thiết thực đến đâu, sẽ được thực hiện quyết liệt đến đâu mới là vấn đề. Đã đến lúc phải cụ thể hóa, phải quy trách nhiệm cho những tổ chức, cá nhân cụ thể. Chứ cứ hô hào chung chung, thì mãi mãi ngân sách quốc gia vẫn là chiếc bánh mà “nhiều người cầm dao, đĩa muốn chia phần”.

Và nếu cứ đà vậy, thì vết xe đổ của Hy Lạp có thể sẽ không phải quá xa vời. Mà, nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội Trần Văn: “Đã đến lúc chúng ta tự giác thắt lưng buộc bụng trước khi bị buộc phải làm theo yêu cầu của định chế tài chính nước ngoài”.