Giảm chi hội họp để có nguồn tăng lương

ANTĐ - Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách Nhà nước năm 2015, kế hoạch năm 2016. Mặc dù nhất trí với báo cáo của Chính phủ, song các ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, bày tỏ sự lo lắng về nợ công, hụt thu ngân sách mà một trong những hệ quả là năm 2016 vẫn chưa có nguồn để tăng lương.
Giảm chi hội họp để có nguồn tăng lương ảnh 1

Lương thấp ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc

Lương vừa thấp vừa cào bằng

Tại tổ Hà Nội, sau khi nêu thực trạng lương cơ sở cũng như lương tối thiểu của người lao động hiện quá thấp, ĐB Phạm Huy Hùng chỉ rõ yêu cầu cấp thiết phải cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tách bạch lương doanh nghiệp và lương hành chính. “Ta vẫn đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp hơn là người lao động nên lương mới thấp như vậy. Mà người lao động làm với mức lương quá thấp gây hệ lụy với nhiều vấn đề về năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế phải sử dụng nhiều người nhưng kết quả lao động vẫn không tốt. Cần thay đổi để trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ chạy nhanh hơn, hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng” - ĐB Phạm Huy Hùng phân tích.

Ở tổ TP.HCM, vấn đề tiền lương cũng là một trong những chủ đề “nóng” được nhiều ĐBQH tham gia góp ý. ĐB Nguyễn Văn Minh kiến nghị, dù nền kinh tế đất nước vẫn đang khó khăn, song năm 2016 phải cố gắng tăng lương một mức hợp lý để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Cho rằng việc tăng lương là cần thiết, ĐB Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH - TP.HCM góp ý, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tiết giảm chi thường xuyên bởi không tiết giảm thì không thể có nguồn để tăng lương mà càng không thể đi vay để tăng lương. 

“Tôi vẫn nói vui rằng chúng ta đi vay tiền toàn là tiền “đực”, không phải tiền “cái” nên không đẻ ra lợi nhuận. Tôi đề nghị cắt các khoản tiếp khách, giao lưu học tập, đi nước ngoài, kỷ niệm ngành, khai trương khánh thành… ra khỏi ngân sách” - ĐB Trần Du Lịch nêu quan điểm. Bình luận thêm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương còn nhiều vướng mắc vì bộ máy còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng, năng lực của cán bộ hạn chế. Do vậy, muốn tăng lương phải cải tổ bộ máy.

Trăn trở doanh nghiệp tư nhân và nông dân

Phát biểu thảo luận tại  tổ Lai Châu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh chia sẻ, 2 mối băn khoăn lớn nhất hiện nay chính là doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp nông thôn. Theo Bộ trưởng, một đất nước muốn tự chủ kinh tế thì doanh nghiệp phải phát triển, một nền kinh tế không có lực lượng doanh nghiệp mạnh thì không thể là nền kinh tế mạnh, càng không phải là nền kinh tế tự chủ. Thế nhưng hiện nay đa phần doanh nghiệp nội của nước ta còn rất yếu, quy mô nhỏ, đầu tư sản xuất ít, chủ yếu làm dịch vụ, kinh doanh kiểu “ăn xổi, chộp giật”, trong khi những ngành sản xuất nền tảng của đất nước ngày càng mất đi.

Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ của ta đều là doanh nghiệp tư nhân. Do đó trong Nghị quyết của Quốc hội cần nói rõ về điều này để đưa ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong 5 năm tới. Về nông nghiệp và nông thôn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, với nền tảng hiện nay thì tới đây, khi chúng ta hội nhập sẽ phải đối diện với thách thức rất lớn về cạnh tranh và đây chính là mảng bị tổn thương lớn nhất.

“Tại sao Việt Nam phải nhập ngô, đậu tương? Rất đơn giản vì kinh tế thị trường điều tiết hết… Cái đó ai cũng biết. Nhưng làm sao để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nông nghiệp thành trụ đỡ nền kinh tế này là vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước. Tôi nghĩ, Nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến hai lĩnh vực này để khắc phục cho bằng được” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích.

Lo nợ công gia tăng

ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (tổ Hà Nội) cho rằng hiện nay năng suất lao động của Việt Nam còn thua khá xa các nước trong khu vực, đây là điều rất đáng lo ngại nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa đàm phán TPP thành công. Tiếp tục đề cập đến thể chế nền hành chính quốc gia, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vấn đề quy hoạch cán bộ là cái được nhất trong thời gian qua, song những kết quả cũng chỉ là bước đầu.

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay phải là củng cố lại bộ máy, tạo bước đột phá về công tác cán bộ. “Đúng như kỳ vọng của cử tri, rất cần những người có đức, có tài được bổ nhiệm vào bộ máy chính quyền đi kèm với thiết chế giám sát chặt chẽ thì việc ban hành, triển khai các chính sách sẽ gắn liền với cuộc sống, đảm bảo môi trường lành mạnh, tăng năng suất lao động mới bền vững” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp góp ý.

Ngoài ra, các ĐBQH Hà Nội cũng bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề nợ công tiếp tục gia tăng, áp lực trả lãi lớn trong khi chưa có giải pháp xử lý căn cơ. ĐB Nguyễn Phi Thường đề nghị Chính phủ phải giải trình, làm rõ xem “chúng ta có chủ động được việc vay và trả nợ vay hay thực tế chỉ là vay ăn đong, cứ thấy vay được là vay, phát triển kinh tế dựa trên vốn vay, không có vốn vay thì không phát triển được”. 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son: Facebook sẽ giúp Chính phủ gần dân hơn

Chính phủ đang thử nghiệm việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội Facebook là hoàn toàn phù hợp với định hướng. Những thông tin Chính phủ sẽ đưa lên facebook là chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trừ bí mật quốc gia.

Việc này nhằm tăng thêm một kênh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, góp ý của người dân để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho tốt, nhất các chính sách, công tác điều hành của mình. Thực tế tôi tin chắc hiệu quả, sức lan tỏa khi Chính phủ sử dụng facebook để thông tin sẽ lớn hơn so với các trang web, giúp Chính phủ gần dân hơn, giúp người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn khi comment vào đó.

Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái, vấn đề bảo mật thông tin cũng phải đặt ra. Hiện nay mới là thí điểm, Chính phủ sẽ làm vừa tìm tòi, làm sao rút ra những bài học kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu cuối cùng là Chính phủ trực tiếp giao tiếp với người dân.