Giảm bớt gánh nặng nợ

ANTĐ - Trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, ngay khi bước vào năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ cơ chế mới nhằm giảm thiểu cơ chế “xin cho”, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu cực, thất thoát. Theo đó, Bộ đề nghị Chính phủ công bố toàn bộ số vốn cho các bộ, ngành, địa phương trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho bộ trưởng các bộ và chủ tịch UBND các tỉnh. Theo ông Bộ trưởng, không ai có thể nói ở ngành mình, bộ mình là hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được.

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư đã trình báo cáo dự kiến phân bổ trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2012 - 2015. Trước đây, phân bổ vốn trái phiếu thường được thực hiện từng năm, nay dự kiến kế hoạch phân bổ cho cả giai đoạn dài, khối lượng công việc nhiều nên bị chậm so với quy định. Bộ cũng trình Chính phủ đề án xây dựng Nghị định về đầu tư, phát triển trung hạn là 5 năm, trước mắt là 3 năm (2013 - 2015) trên nguyên tắc tiêu chí phân bổ ngân sách. Chính phủ sẽ công bố ngân sách 3 năm cho các bộ, ngành, địa phương. Như vậy, các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động biết được 3-5 năm tới “trong túi” mình có bao nhiêu tiền, “liệu cơm gắp mắm”, chủ động sử dụng sao cho hiệu quả nhất.

Đây có thể coi là bước đột phá mạnh mẽ để thay đổi tư duy, thay đổi căn bệnh “xin cho” dai dẳng bấy lâu nay. Đó là kỳ vọng trong tương lai gần, còn hiện tại? Ngay trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã hoan nghênh nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc cắt giảm, đình hoãn các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Song cũng thẳng thắn chỉ ra hiện tượng “chạy đua nước rút” hoàn thành dự án tạo gánh nặng nợ cho ngân sách nhà nước.

Vị chủ nhiệm vạch ra 3 điểm “chưa”: chưa rà soát kỹ để loại bỏ các công trình dự án không nằm trong danh mục Nghị quyết của Quốc hội; chưa làm rõ những công trình, dự án không đưa vào chương trình trái phiếu Chính phủ và phương án xử lý hậu quả sau cắt giảm; một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự cương quyết thực hiện việc rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn và chuyển đổi hình thức đầu tư các công trình, dự án đã có trong danh mục vốn trái phiếu. Ủy ban Tài chính ngân sách đã tiến hành giám sát tại các bộ, ngành, địa phương và phát hiện ra một số vấn đề nổi cộm. Việc ưu tiên, bố trí vốn cho các công trình, dự án đưa vào sử dụng cuối năm 2011 và các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 thiếu sự kiểm soát, dẫn đến các địa phương chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt; không bám sát kế hoạch vốn được phê duyệt hàng năm để đầu tư, gây ra nợ khối lượng xây dựng cơ bản ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho các nhà thầu. Đặc biệt, tạo ra “gánh nặng nợ” rất lớn cho ngân sách nhà nước. 

Ngân sách nhà nước từ đâu mà ra? Chủ yếu từ đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Ngân sách có hạn, không thể “xin cho” mãi và càng không thể “vung tay quá trán”. Gánh nặng nợ ngân sách nhà nước không chỉ trút lên vai nhà nước mà cả người dân cũng phải “gánh” cùng.