Giảm 17 ngân hàng, xử lý hơn 424.000 tỷ đồng nợ xấu

ANTĐ - Đây là những kết quả nổi bật sau hơn 3 năm triển khai đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.

Giảm 17 ngân hàng, xử lý hơn 424.000 tỷ đồng nợ xấu ảnh 1TPBank được đánh giá là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng
Chia sẻ tại Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu” đang được Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 5-10, PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho biết:

“Sau hơn 3 năm triển khai đề án trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đã tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng”.

“Sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép”, Phó Thống đốc thông tin.

Đánh giá về kết quả xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc NHNN – Nguyễn Kim Anh chỉ rõ: “Một khối lượng lớn nợ xấu đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Từ năm 2012 đến hết tháng 8-2015, đã xử lý được 424.140 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012. Qua đó, đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao ở những năm trước đây về mức 3,21% vào tháng 8-2015. Và dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra”.

Phó Thống đốc cho rằng, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi tổ chức tín dụng. Không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nợ xấu là việc hoàn toàn có thể làm được.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, quá trình tái cấu trúc được đánh giá đã có thành công lớn. TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận: “Sau 3 năm nhìn lại, chúng ta đã có một thanh khoản tương đối ổn định, thị trường vàng, hối đoái về căn bản ổn định, lòng tin của những người gửi tiền được củng cố”.
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: "Nhìn lại chặng đường tái cấu trúc nền kinh tế, mặc dù còn ngổn ngang nhưng nếu so với thời điểm cách đây hơn 3 năm thì có sự thay đổi ghê gớm. Đến bây giờ nhìn lại kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng phải thừa nhận đã làm được rất nhiều việc".