Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sơn mài Việt: Lúng túng với quy chuẩn nghệ thuật

ANTD.VN - Sáng ngày 30-8 tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức hội thảo xin ý kiến đóng góp xây dựng của các cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học về Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" và "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam.

Đề án "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" được xây dựng dựa trên lợi thế của Việt Nam về di sản văn hóa thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và đất nước con người. Đề án "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" được xây dựng dựa trên lợi thế về truyền thống lâu đời của nghề sơn và chất liệu sơn ta với sự đột phá trong kỹ thuật sơn ta của các họa sỹ hội họa sơn mài Việt Nam.

Trong đó, đề án "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" là một mô hình tổ chức sự kiện nhiếp ảnh chưa từng có ở Việt Nam với chuỗi hoạt động nhiếp ảnh tại một số tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch và di sản văn hóa, được tổ chức luân phiên 2 năm một lần nhằm ra tạo các tác phẩm, sản phẩm, sự kiện thúc đẩy sự nghiệp và thị trường nhiếp ảnh trong nước phát triển.

Đề án này bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của tỉnh Ninh Bình, thành phố Hội An, thành phố Đà Lạt và Đà Nẵng. Sự kiện sẽ diễn ra với các nội dung như: Tổ chức hội chợ nhiếp ảnh để giới thiệu và bán các tác phẩm nhiếp ảnh; Giới thiệu các sản phẩm, trang thiết bị phục vụ ngành nhiếp ảnh; Tổ chức cho các nhiếp ảnh gia quốc tế đi sáng tác tại các địa điểm văn hóa, du lịch của địa phương...

Hội thảo vừa diễn ra vào sáng ngày 30-8 tại Hà Nội

Đề án "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" với mục đích đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, các tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam". Đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; Đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế 2 năm một lần tại Việt Nam. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của sơn mài Việt, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội họa sơn mài Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Với đề án "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam", nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến bày tỏ sự băn khoăn khi sử dụng cụm từ "thành phố nhiếp ảnh". Bởi theo ông, phong trào chơi ảnh ở Việt Nam dù lớn mạnh và tạo được những thành tựu nhất định nhưng để xây dựng một thương hiệu quốc gia gắn với nhiếp ảnh liệu có quá tầm? Với mục đích tạo ra thị trường cho nhiếp ảnh nhưng thực tế, hiện nay, người chơi ảnh chưa có thói quen sở hữu các tác phẩm nghệ thuật. Những cuộc bán mua tác phẩm nhiếp ảnh phần lớn dựa vào các mối quan hê thân cận như: Anh em, bạn bè mua giúp...

Nhà nhiếp ảnh Anh Tuấn cho rằng, nên chăng, đề án này cần được tổ chức định kỳ tại một thành phố thay vì luân phiên nhằm tạo nên thương hiệu gắn với thành phố đã đăng cai, giống như nhắc đến Festival Huế là nhớ ngay đến cố đô xưa hay Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là nhớ ngay đến thành phố biển sôi động của dải đất miền Trung...

Về đề án "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam", họa sỹ Triệu Khắc Tiến lại cảm thấy lúng túng trước phương hướng của đề án. Sơn mài Việt Nam sẽ được nhấn mạnh ở chất liệu hay kỹ thuật, ngôn ngữ sử dụng trong tranh... Nhưng họa sỹ cũng khẳng định tính cấp thiết của việc làm này nhằm chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt trên trường quốc tế và thị trường nghệ thuật trong nước. Theo họa sỹ Triệu Khắc Tiến, Nhật Bản không phải là nơi khởi thủy của sơn mài nhưng giá của chất liệu này lại cao ngất ngưởng. Trong khi đó, các họa sỹ Việt Nam không phải ai cũng sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống trong sáng tác mà đã có sự pha tạp.

Nghệ nhân làng sơn mài Hạ Thái bày tỏ sự quan ngại trước việc sơn mài Nhật Bản lấn át sơn mài Việt. Nếu Việt Nam không gìn giữ và phát huy được chất liệu này quả là điều đáng tiếc bởi đất nước của chúng ta mới là nơi phát tích và sản sinh ra kỹ thuật vẽ sơn mài.

Đại diện đến từ Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ VH-TTDL khẳng định ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật. Tuy nhiên, để đề án sát với thực tế, vị đại diện này cho rằng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần có cuộc khảo sát thị trường để nhận diện thương hiệu, chứ không nên đưa ra thương hiệu rồi mới nhận diện.

Tranh sơn mài Việt Nam đã tạo tiếng vang trên trường quốc tế

Trước các thắc mắc, băn khoăn và các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, cục đã có những cuộc khảo sát thực tế về Tam Nông (Phú Thọ), làng sơn mài Hạ Thái để xem người dân ở đây canh tác, sản xuất và tiêu thị các sản phẩm về sơn mài ra sao rồi từ đó mới bắt tay vào xây dựng đề án.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, đề án xây dựng "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" nhằm giảm hiện tượng nghiệp dư hóa nhiếp ảnh. Thông qua đề án này để phát triển nhiếp ảnh  Việt Nam có tính chiều sâu bằng các hoạt động mua bán tác phẩm, mở ra thị trường nhiếp ảnh, thay đổi nhận thức về nhiếp ảnh. Đề án này từng gửi tới tỉnh Lào Cai và một số tỉnh thành khác đề nghị phối hợp tổ chức nhưng đều bị từ chối. Chỉ có tỉnh Ninh Bình, Hội  An, Đà Nẵng và Đà Lạt đã bước đầu nhận lời.

"Để thực hiện "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam", chắc chắn không chỉ có Bộ VH-TT&DL mà cần có sự phối hợp của các địa phương bằng việc hỗ trợ kinh phí. Đó cũng có thể là lý do các tỉnh được mời tham gia đã từ chối thẳng thừng, để tránh rắc rối", ông Vi Kiến Thành nói.

Còn đề án "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam", BTC cũng chỉ đưa ra được các tiêu chuẩn về nguyên liệu, quy trình sản xuất chất liệu và không thể đưa ra được các tiêu chuẩn trong nghệ thuật sơn mài. Điều đó là phi thực tế với tính cá nhân rất rõ nét trong các sáng tác trên chất liệu hội họa truyền thống này.

Sau Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo xin ý kiến của các chuyên gia tại Đà Nẵng.