Xẩm Hà Thành ra mắt tác phẩm "Tiêu diệt Corona"

ANTD.VN - Nhóm Xẩm Hà thành khiến người yêu nhạc truyền thống thích thú khi trình làng tác phẩm “Tiêu diệt Corona”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long – người sáng tác bài xẩm đặc biệt này chia sẻ, anh ấp ủ ý định viết một tác phẩm liên quan đến virus Corona ngay từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên đến ngày 22-3 vừa qua, những giai điệu đầu tiên của bài xẩm này mới thực sự đến một cách liền mạch và “Tiêu diệt Corona” ra đời ngay trong đêm hôm đó.

MV bài xẩm "Tiêu diệt Corona"

Vị nhạc sĩ chia sẻ, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các ban, ngành trong cuộc chiến chống Covid-19 và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của mọi tầng lớp nhân dân, anh thật sự xúc động khi nhìn hình ảnh những chiến sĩ, cán bộ hỗ trợ phòng chống dịch sẵn sàng nằm đất để nhường chỗ ăn, chỗ ngủ cho người cách ly ở khu vực tập trung, rồi những người dân tình nguyện mang lương thực, nhu yếu phẩm đến tặng cho những người làm nhiệm vụ… Từ tình cảm ấy, anh viết nên những câu hát đầu tiên trong bài xẩm “Tiêu diệt Corona”. Ngay sau khi viết xong, anh cùng các nghệ sĩ trong nhóm Xẩm Hà thành và êkip của đạo diễn Nhật Giang đã tiến hành thu âm, ghi hình để hoàn thành MV cho bài xẩm này.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (bên phải) - tác giả của bài xẩm "Tiêu diệt Corona" 

Chia sẻ thêm về “Tiêu diệt Corona”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, khi viết bài xẩm này, anh sáng tác dựa trên điệu xẩm sai, đồng thời khai thác tối đa thế mạnh của bộ gõ, sử dụng thêm tiếng kèn bầu, vì thế mà có thể người nghe sẽ cảm nhận thấy vừa có chút gì đó âm hưởng của nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế, vừa có chút tiết tấu rộn ràng của hề chèo, lại có cả chất Rap trong những câu đồng dao…

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long phân tích, điệu sai vốn không phải điệu xẩm chính tông mà là được các nghệ nhân khai thác làm phong phú thêm cho âm nhạc của nghệ thuật hát xẩm. Dẫu điệu xẩm này được khai thác từ lâu nhưng rất ít khi được sử dụng trong xẩm. Trước kia, nhóm Xẩm Hà Thành cũng đã có bài “Tiễu trừ cướp biển” vào năm 2014 góp tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Phạm Trang và Ngọc Xuân - hai nghệ sĩ tham gia trong bài xẩm 

Trở lại với xẩm “Tiêu diệt Corona”, người nghe sẽ bắt gặp nhiều câu nói vui quen thuộc vẫn được cộng đồng mạng sử dụng trong những ngày vừa qua, trong đó có câu “thần chú” hài hước: “Corona xa ta ra”. Cùng với đó là những lời nhắc nhở mang tính thời sự như: “Không nên đi lại, tụ tập đông người, có việc quan trọng, rời nhà bước ra, cách xa hai mét…”                                                 

Tất cả những chất liệu âm nhạc cùng lời ca được sử dụng trong tác phẩm này theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long là đều hướng đến tinh thần lạc quan, chung sức đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của mọi người dân Việt Nam. Đặc biệt, bài xẩm cũng nhấn mạnh, chính tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm từ trên xuống dưới của cả dân tộc sẽ có tính chất quyết định trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này: “Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà” hay “Doanh nhân chung sức/ Nghệ sĩ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết” và còn nữa lời dặn của cho ông ta “Thương lấy bí cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng, nét đẹp ghi nhớ dang tay đón kiều bào, ấy là hay nhất”…

Xẩm Hà Thành ra mắt tác phẩm "Tiêu diệt Corona" ảnh 3

Hình ảnh mãi đình truyền thống được chọn làm hình ảnh nền cho bài xẩm 

Bên cạnh sự hóm hỉnh, duyên dáng của giọng nam chính do nghệ sĩ Văn Phương thể hiện là giọng hát “đốp chát” đầy cá tính của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Hai nghệ sĩ này đảm nhiệm hai tuyến nội dung riêng biệt, nếu như Văn Phương là những vấn đề khái quát chung thì Mai Tuyết Hoa là những chỉ dẫn cụ thể của ngành y tế về việc phòng chống như thế nào, rửa tay ra làm sao, tránh tiếp xúc nơi đông người hay việc ở yên một chỗ trong thời điểm này cũng là yêu nước. Bài xẩm còn ghi nhận sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng nhiều nghệ sĩ như: Phạm Trang, Phạm Dũng, Ngọc Xuân…

Đạo diễn Nguyễn Nhật Giang chia sẻ, khi dựng bài xẩm này, anh quyết định lấy hình ảnh nền là mái đình truyền thống làng Việt bởi lẽ đình là một thiết chế xã hội xưa đại diện cho văn hóa làng xã, cho nhân dân, và cuộc chiến chống dịch này không chỉ của riêng chính quyền, ngành y tế mà là của toàn dân. Tác giả Nguyễn Quang Long cho biết thêm, không phải ngẫu nhiên xuất hiện tốp hát phụ họa trong bài xẩm, đó chính là đại diện cho quần chúng nhân dân, nói lên tiếng nói và thể hiện sự chung sức chung lòng cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh.