Vừa lập kỷ lục, tranh của danh họa Nam Sơn lại rớt giá vì "lệch gu"?

ANTD.VN - Bị rớt giá tại phiên đấu giá của nhà Aguttes (Pháp), bức tranh "Ông già Kim Liên" của danh họa Nguyễn Nam Sơn, người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã làm không ít người tiếc nuối. Theo các nhà phê bình mỹ thuật, lý do có thể, bức tranh đã "lệch gu" giới sưu tầm quốc tế.

Trước đó, bức tranh "Thiếu nữ cầm quạt" của danh họa Nam Sơn từng lập kỷ lục đấu giá với 440.000 euro (gần 12 tỷ đồng), chưa tính phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm. Phiên đấu giá diễn ra vào ngày 22/10 tại Paris (Pháp) và cũng do nhà đấu giá Aguttes thực hiện. 

Tác phẩm đặc sắc, trên quan điểm kỹ thuật cũng như phương diện lịch sử hội họa Việt Nam này đã được đấu giá 100.000 euro (khoảng 2,6 tỉ đồng) trên sàn đấu giá Aguttes. So với mức giá khởi điểm 90.000 euro, giá bán bức tranh tăng thấp, không đạt được mức giá như nhiều người trong giới mỹ thuật Việt kỳ vọng. Trước đó, bức tranh được nhà đấu giá Aguttes dự kiến đạt mức giá 100.000 - 150.000 euro.

Tác phẩm Ông già Kim Liên của Nam Sơn đã không đạt được mức giá như kỳ vọng

Ra đời gần 100 năm, đây có thể nói là một trong những bức sơn dầu đầu tiên của Việt Nam, được nhắc rất nhiều những biên khảo, sách vở cũng như luận án mỹ thuật. Về mặt tạo hình và kỹ thuật sơn dầu - dù Nam Sơn tự học - để lại nhiều ấn tượng đặc biệt.
“Kỹ thuật này gợi nhớ phương pháp của Cezanne, vượt trên tính cách của phong trào ấn tượng, ông vẫn giữ ý niệm về hình thể, nhưng làm đổi mới phong cách của mình bằng màu sắc, đôi khi được đánh dấu bằng các đường viền phức tạp và khúc khuỷu - phương pháp xử lý không gian kiểu mới xuất hiện khoảng năm 1880” - nhà nghiên cứu và sử gia mỹ thuật Nadine André-Pallois nhận xét.

Ngay khi thông tin bức tranh "Ông già Kim Liên" đấu giá thành công nhưng không đạt mức giá như mong đợi, cháu ngoại họa sỹ Nguyễn Nam Sơn, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi từ Paris đã tỏ ra khá tiếc nuối. Ông Ngô Kim Khôi lý giải, giá bức tranh của Nam Sơn không lên cao, dù giá trị lịch sử và kỹ thuật của bức tranh rất tốt. Chắc do chủ đề của tranh không được ưa chuộng.

Cùng chung nhận định này, nhà phê bình mỹ thuật Hoàng Anh, Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật nhận định, bức tranh đấu giá "Ông già Kim Liên" của Nam Sơn lần này đẹp, chất nhưng không thuộc mô típ phụ nữ đẹp, em bé xinh xắn, tĩnh vật hoa, phong cảnh Việt Nam và những sinh hoạt thường ngày. Trong khi đó, giá trị của bức tranh không hề nhỏ để có thể “mua chơi”. Với tầm của bức này thì phải hoặc để bán lại, hoặc để lưu giữ trong bảo tàng tư nhân hay trưng bày ở một tư gia rất giàu có.

Tác phẩm "Xưởng thêu" của Lương Xuân Nhị được bán với gần 14 tỷ đồng

"Bù lại, ở phiên đấu giá lần này của nhà Aguttes, bức tranh "Xưởng thêu" của họa sỹ Lương Xuân Nhị đã đạt giá cao đỉnh điểm nhất cho một bức tranh lụa của ông tính tới thời điểm này, bởi nó nằm đúng mô típ được ưa chuộng", nhà phê bình Hoàng Anh nói.

Ban đầu, bức tranh dự kiến sẽ có giá từ 50 đến 80.000 Euro. Nhưng kết quả từ phiên đấu giá, bức tranh đã tăng giá chóng mặt với mức 410.000 Euro, cộng thêm các chi phí khác thành 526.760 Eurro, gần 14 tỷ đồng.

Các bức tranh Việt Nam lập kỷ lục đấu giá quốc tế từ trước đến nay hầu hết đều là các tác phẩm thuộc thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Đặc biệt, đó đều là các bức tranh có chủ đề dễ gây "thương nhớ" như thiếu nữ, em bé, làng quê Việt Nam... với tinh thần Á Đông thuần khiết, đậm đà màu sắc Việt trong từng đường nét hội họa.

Kết quả của phiên đấu ngày 12-4 của nhà đấu giá Aguttes vừa qua, càng minh chứng rõ nét hơn cho gu thẩm mỹ của các nhà sưu tầm nước ngoài đối với các tác phẩm mỹ thuật Việt. Tuy nhiên, thị trường mỹ thuật là như vậy, phải tuân theo quy luật cung cầu cùng những toan tính của các nhà sưu tầm quốc tế, khi bỏ ra các khoản tiền kếch xù để nắm trong tay các báu vật của mỹ thuật Việt Nam.