Vô vàn các clip bẩn trên mạng xã hội, không thể phó mặc trẻ cho Ipad

ANTD.VN - Dù đã được các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời để các trò chơi như quái vật Momo, cá voi xanh xúi giục trẻ em tự sát không phát tán rộng rãi trên Youtube, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều clip được cho là có nội dung “bẩn”, hướng dẫn các em nhỏ làm theo vẫn tồn tại trên Youtube…

Dù trò chơi “Momo Challenge” hoàn toàn biến mất trên Youtube kids trước sự vào cuộc mạnh mẽ  của dư luận.  Tuy nhiên, hiện tại trên Youtube vẫn còn nhiều clip được cho là nhảm nhí, độc hại.

Có tài khoản đăng tải clip dạy đi thang máy để... sang thế giới bên kia. Nội dung của đoạn clip này hướng dẫn các bạn trẻ thực hiện một trò chơi bằng việc đi thang máy. Người chơi sẽ bấm đi lên các tầng theo hướng dẫn, từ tầng 1 bấm lên tầng 4, từ tầng 4 bấm xuống tầng 2, từ tầng 2 bấm lên tầng 3, từ tầng 3 bấm lên 5….

Thử thách cùng Momo dù đã được Youtube gỡ bỏ, song còn nhiều những clip nhảm nhí khác tồn tại

Và người chơi phải ở trong thang máy trong suốt thời gian quá trình di chuyển đó. Thậm chí, clip này còn hướng dẫn rằng, khi bạn bấm thang máy xuống tầng 1 nhưng thang máy chạy lên tầng 10, có nghĩa bạn đã tới thiên đường. Hay khi ở tầng 5, bạn sẽ gặp 1 cô gái nhưng bạn không được nhìn và nói chuyện với cô ấy vì cô này không phải như bạn  nhìn thấy….

Độ nhảm nhí của các clip xuất hiện trên Youtube chưa dừng lại.

Lại cũng có những tài khoản, thường xuyên tải lên các clip có nội dung liên quan tới ma quỷ như chuyện 3h sáng trong phòng thu âm, Dương chứng mình rằng, có quỷ hiện hồn…Lạ lùng ở chỗ, các clip này có lượng truy cập khá cao và người xem không quên để lại cả nghìn bình luận.

Điều đó cho thấy, dù là “rác ” trên mạng nhưng các clip này vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người và đang đặt ra những câu hỏi về vấn đề kiểm soát nội dung.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, việc chặn và lọc các clip “bẩn” thuộc về lĩnh vực công nghệ. Và thường được thực hiện khi các clip đó đã phát tán một thời gian và nhận được sự phản hồi của người xem.

Thế nhưng, chặn được clip này, một thời gian sau lại xuất hiện một clip khác có nội dung nhảm nhí không kém. Quái vật Momo xúi giục trẻ tự sát thực chất là một phiên bản khác của trò chơi Cá voi xanh có nội dung thách thức, kích động trẻ làm theo bằng việc sát thương bản thân, thậm chí là tự tử.  

Chưa kể, mức độ tinh vi để qua mắt các nhà kiểm duyệt của các clip “bẩn” còn ở chỗ, các trò chơi này được chèn vào các đoạn ca nhạc, có nội dung lành mạnh khác.

Do vậy, theo nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, trong môi trường số hiện nay, trẻ nhỏ có thể dễ dàng truy cập các trang mạng xã hội và việc cấm trẻ theo nguyên tắc cứng rắn sẽ khó thực thi.

Thay vào đó, các cha mẹ không nên phó thác trẻ với chiếc Ipad hay smartphone mà cần làm bạn với con, trang bị kỹ năng và kiến thức để con nhận biết các clip có nội dung độc hại.

Việc công khai thông tin của trẻ với cha mẹ sẽ giúp các bậc phụ huynh kiểm soát được nội dung clip các em đang xem. Bên cạnh đó, cần đưa ra khuyến cáo để các em học sinh nhận biết các clip nhảm nhí mà tự tẩy chay.