Virus Corona hay là "phép thử" với ngành du lịch Hà Nội

ANTD.VN - Theo thông tin đăng tải trên website của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 1-2020, thành phố đón 2,34 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế giảm tới gần 9%, chỉ đạt 482 nghìn lượt. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho ngành du lịch Hà Nội tái cơ cấu nguồn khách, dịch vụ và nhân lực.

Khó khăn chung

Thời điểm đầu năm được xem là “mùa vàng” cho ngành du lịch thành phố, nhất là với du khách nước ngoài. Thế nhưng so với cùng kỳ năm 2019, ngành du lịch của Hà Nội năm nay chìm trong một bầu không khí ảm đạm.

Nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay Phủ Tây Hồ… những ngày này không còn cảnh tấp nập, đông vui như những năm trước. Số lượng hủy tour ở các công ty du lịch tăng dần mỗi ngày, thậm chí có những tour tổ chức vào tháng 4 nhưng đều đã hủy.

Du khách đến tham quan tại Đền Ngọc Sơn

Một số đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ về các tour du lịch tại Hà Nội như SunTour, Green Tour… cho biết lượng khách nội địa và quốc tế đều sụt giảm mạnh, có thể lên tới 95% so với cùng kỳ năm trước. Hiện những đơn vị này chủ yếu phục vụ cho khách lẻ có nhu cầu làm visa đi công tác hoặc một vài gói du lịch gia đình ngắn hạn trong nước.

“Hanoi Redtour hiện bị giảm 70% lượng khách quốc tế và nội địa. Chúng tôi tiến hành hoàn tiền 100% cho những khách hàng đã đăng ký tour Trung Quốc cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, hỗ trợ chuyển đổi sang ngày khởi hành khác hoặc các tour khác áp dụng theo chính sách khách hàng cũ”, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng nhóm Liên Minh Kích Cầu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours chia sẻ.

Với Hanoi Citytour, do khách du lịch đa phần đến từ châu Âu nên lượng khách giảm nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Những ngày đông nhất thì lượng khách đạt khoảng 600 – 700 người/ngày.

Các cơ sở lưu trú cũng trong tình trạng đìu hiu, nhiều khách đã hủy đặt phòng trong tháng 2 và tháng 3. Có gần 11.650 khách trong nước đi du lịch nước ngoài hủy chuyến. Các đơn vị vận chuyển cũng giảm khoảng từ 30% - 50% công suất hoạt động.

Tất cả nguyên nhân của tình trạng này đều xuất phát từ dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát từ tháng 12-2019 tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hiện nay, dịch bệnh này đã lây lan ra gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Chính vì dịch bệnh nên đa phần tâm lý khách du lịch e ngại. Các hoạt động xuất, nhập cảnh cũng đang phải siết chặt nhằm đảm bảo công tác phòng, chống và dập dịch.

Khôi phục thị trường bằng nâng cao chất lượng

Đến thời điểm này, Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với nCoV, chưa có trường hợp nào lây nhiễm ra cộng đồng. Các hoạt động phục vụ du khách diễn ra bình thường, một điểm di tích mở cửa trở lại sau khi tạm đóng 1 ngày để vệ sinh cơ sở, phun hóa chất khử trùng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo tránh tụ tập đông người nơi công cộng, hầu hết các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn đều hoãn tổ chức.

Một số doanh nghiệp chọn phương án dừng hẳn hoạt động do không có khách. Thế nhưng lại có nhiều đơn vị xây dựng giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động và có kế hoạch điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ là phương án đa phần các đơn vị kinh doanh du lịch lựa chọn.

“Hiện nay Hanoi Citytour vẫn duy trì các hoạt động du lịch tham quan Hà Nội. Để đảm bảo công tác phòng ngừa dịch virus Corona, chúng tôi tiến hành phát khấu trang và nước rửa tay miễn phí cho du khách. Phương tiện sau một ngày hoạt động cũng được vệ sinh ngay”, ông Phạm Châu Long, Trưởng Bộ phận Kinh doanh của Hanoi Citytour cho biết.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch khuyến khích du khách có thể lùi thời hạn đặt dịch vụ và đẩy mạnh việc bán sản phẩm du lịch theo mùa, như du lịch Nhật Bản mùa hoa anh đào hay đến châu Âu mùa hoa tulip... Kích cầu du lịch nội địa bằng nhiều gói ưu đãi cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng phổ biến.

Theo thống kê, khoảng 30% du khách quốc tế tới Việt Nam là Trung Quốc thì sắp tới Tây Âu, Bắc Mỹ sẽ là thị trường mới được các đơn vị du lịch tập trung mạnh hơn.

“Khó khăn này giống như một chiếc phanh để toàn ngành du lịch có cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại mình. Chúng ta không thể kỳ vọng vào sự bền vững của thuận lợi. Thay vào đó, chúng ta nên bình tĩnh để tính toán điều chỉnh về sản phẩm, nhân sự và nguồn khách”, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng nhóm Liên Minh Kích Cầu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours chia sẻ.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Vì vậy, để thích ứng linh hoạt với thời kỳ khó khăn này, việc tập trung vào đào tạo nhân lực, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng có thể hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Rõ ràng, dịch viêm phổi cấp nCoV đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế chung. Thế nhưng ngành du lịch cũng coi đây là cơ hội để ngành du lịch nói riêng nhìn lại quãng đường đã qua và đưa ra các giải pháp thích hợp hơn nữa làm mới lại mình. Những đơn vị hoạt động yếu kém sẽ bị đào thải và đơn vị có năng lực tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng để vươn lên.