Vì sao những bức ảnh khắc khổ về người Việt Nam lại dễ giành giải ảnh quốc tế?

ANTD.VN - Những bức ảnh chân dung người Việt Nam khắc khổ dễ cũng phải có đến hàng chục, hàng trăm giải thưởng quốc tế, song lý do thì chỉ có 1. Xu hướng này có lẽ sẽ chưa dừng lại bởi gần đây nhất, bức ảnh chụp hai mẹ con người Mông của tay máy người Malaysia đã vừa ẵm giải thưởng trị giá gần 3 tỷ đồng.

Giải thích về hiện tượng này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục MTNATL) cho rằng, chỉ có thể hiểu, cái lạ, cái mới đã giúp cho những bức ảnh cũ mèm, quen thuộc đến nhàm chán ấy vẫn đứng ở ngôi vị cao nhất ở mỗi cuộc thi ảnh quốc tế…

Đúng hơn, “cũ người mới ta”, trong nước, các bức ảnh chỉ làm người xem cảm thấy chán ngấy, còn các giám khảo nước ngoài lại bị hút bởi cái họ chưa từng được nhìn thấy, chưa từng được biết tới.

Chính vì thế, những bức ảnh nhấn mạnh làn da nhăn nheo của một cụ già Tây Nguyên, gương mặt lấm lem bùn đất của các em nhỏ hay mới đây nhất là chân dung hai mẹ con người Mông vẫn được xướng tên đều đều tại các cuộc thi ảnh quốc tế.

Vì dễ giành giải, thậm chí là giải cao với trị giá tiền thưởng lớn, nên không chỉ có các nhà nhiếp ảnh trong nước, mà ngay các nhà nhiếp ảnh quốc tế đặt chân tới Việt Nam, cũng rất lưu tâm chụp về những bức ảnh không mang tính điển hình về dải đất hình chữ S.

Bức ảnh “Niềm hy vọng của mẹ” đoạt giải thưởng nhiếp ảnh trị giá gần 3 tỷ đồng của tay máy người Malaysia, Edwin Ong

Tay máy người Malaysia, Edwin Ong là một người như thế. Anh đã biết lựa chọn sân chơi phù hợp cho bức ảnh của mình và may mắn đã mỉm cười với ảnh. Chỉ có điều, theo đánh giá của ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, những bức ảnh như thế nếu ở Việt Nam, đã bị loại thẳng tay. Thậm chí còn không được góp mặt ở phòng trưng bày, chứ đừng nói tới việc giành giải thưởng.

Ông Vũ Quốc Khánh cho rằng, những khuôn hình bi lụy, sầu đau về đất nước, con người Việt Nam từ trước tới nay vẫn dễ giành điểm cộng trong mắt các nhà chấm ảnh quốc tế. Ảnh thế giới cũng có xu hướng nhìn vào mặt trái của vấn đề, đi sâu vào khai thác những góc nhìn mang tính cá nhân, không điển hình cho cả xã hội.

Do vậy, xu hướng chụp về những gương mặt khắc khổ, sầu đau của người Việt sẽ không dừng lại và sẽ tiếp tục góp mặt tại các cuộc thi ảnh quốc tế. Và những bức ảnh này nếu có tiếp tục được xướng tên cũng sẽ không tạo nên sự bất ngờ với những người thường xuyên quan tâm và theo dõi lĩnh vực nhiếp ảnh.

Mô tip quen thuộc, dễ giành điểm cộng trong mắt các thành viên BGK quốc tế.

Ông Vũ Quốc Khánh cho rằng, xu hướng sáng tác này đã cũ và chính các nhà nhiếp ảnh trong nước cần bứt phá, tìm kiếm các đề tài mới và các thủ pháp nghệ thuật khác để không lặp lại chính mình. Việt Nam được coi như mỏ vàng của nhiếp ảnh quốc tế nhưng Việt Nam không chỉ gói gọn trong những bức ảnh bi lụy mà còn có nhiều điều hấp dẫn hơn thế.

Cục trưởng Cục MTNATL Vi Kiến Thành khẳng định, nhiếp ảnh cũng giống như thơ ca, có cả triệu người cùng tham gia sáng tác, cùng thích chơi ảnh nhưng cái khó là tìm thấy 1 bức ảnh ấn tượng với ngôn ngữ thể hiện mới.

“Muốn thế, các nhà nhiếp ảnh phải tìm ra nhịp điệu mới trong tranh, có thông điệp mạnh mẽ và cách nhìn mới. Những thẩm mỹ thông thường về cái đẹp trong ảnh cần thay đổi, cái đẹp đơn thuần dần nhường chỗ cho những bức ảnh mang tính xã hội và báo chí”, ông Vi Kiến Thành chia sẻ.