Vì sao kiệt tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" không được công nhận là bảo vật quốc gia?

ANTD.VN - Nổi tiếng và đình đám nhưng cho tới nay, kiệt tác hội họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẫn chưa được công nhận là bảo vật quốc gia với những lý do rất rõ ràng…

Là tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Tô Ngọc Vân, Thiếu nữ bên hoa huệ miêu tả hình ảnh thiếu nữ mơ mộng và đài các với bố cục chặt chẽ và hoàn hảo. Thiếu nữ mặc áo dài trắng nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng về phía lọ hoa huệ trắng. Hình dáng cô gái kết hợp với những chi tiết và màu sắc xung quanh đã tôn lên một vẻ đẹp thiếu nữ với nét buồn vương vấn, dịu nhẹ.

Nó vừa tạo được một không khí trẻ trung, tươi mới, có gì đó "tân thời" nhưng cũng lại rất dân tộc, rất Hà thành. Đó cũng là lý do mà bức tranh được cả "Tây" lẫn  “ta” đều thích. Đặc biệt, đây cũng là một trong những bức tranh đầu tiên của các họa sĩ Việt góp phần tôn vinh chiếc áo dài truyền thống.

Để nói về tính độc đáo trong nghệ thuật của “Thiếu nữ bên hoa huệ”, không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, kể từ năm 1943, năm sáng tác kiệt tác hội họa này cho tới nay, “Thiếu nữ bên hoa huệ” vẫn chưa được công  nhận là bảo vật quốc gia. Giải thích về điều này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, xét về tiêu chí để một tác phẩm nghệ thuật được công nhận là Bảo vật quốc gia theo khoản 1, Điều 1, Luật Di sản Văn hóa, sửa đổi năm 2009, bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã không đảm bảo ở ngay tiêu chí đầu tiên là “hiện vật gốc, độc bản”.

Còn các tiêu chí khác như: “Hiện vật có hình thức độc đáo; Là tác phẩm nổi tiếng về giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách thời đại”, ông Trần Khánh Chương nhất trí cho rằng, kiệt tác hội họa này đều đáp ứng đủ.

Cho tới nay, ai là người sở hữu kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” vẫn đang còn là ẩn số. GS-TS Tô Ngọc Thanh, trưởng nam của họa sĩ Tô Ngọc Vân kể lại: "Khi gia đình đi kháng chiến, bức tranh được để lại trong nhà chúng tôi ở ngõ Trại Khách, phố Khâm Thiên, nay là ngõ Thổ Quan. Đến khi hòa bình trở về Hà Nội thì nó đã trở thành sở hữu của nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Ông Đức Minh nói là ông mua lại bức tranh từ một người khác".

Rồi sau khi ông Đức Minh mất (năm 1983), tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã được các con của nhà sưu tập này bán cho ông Hà Thúc Cần với giá 15.000 USD. Và sau đó, ông Hà Thúc Cần đã bán bức tranh  này lại cho một người khách nước ngoài với mức giá cao ngất ngưởng là 200.000 USD. Cho tới nay, bức tranh lưu lạc ở phương trời nào và nằm trong bộ sưu tập của ai vẫn chưa được làm rõ.

Mới đây, trong giới hội họa xôn xao thông tin, bức tranh đã được một nhà tập trong nước mua lại và mang về Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tin này cho đến nay chưa được xác minh và là những thông tin trôi nổi. Trong khi đó, nạn tranh giả đang làm lũng loạn thị trường mỹ thuật trong nước. “Thiếu nữ bên hoa huệ” là một trong những tác phẩm bị sao chép nhiều nhất. Theo họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai thứ của danh họa Tô Ngọc Vân, tuyệt đại đa số các bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” mà người Việt được chiêm ngưỡng từ mấy chục năm nay cũng chỉ là tranh chép. Trong đó có những phiên bản không đồng nhất.

Danh họa Tô Ngọc Vân

Có một lần, họa sĩ Tô Ngọc Thành cảm thấy ái ngại khi có một nhà sưu tập tranh ở Hà Nội nhờ ông tới thẩm định bức tranh "Thiếu nữ bên họa huệ" được mua ở nước ngoài với giá 200.000 USD có phải là tranh thật không? Họa sĩ Tô Ngọc Thành đã từ chối vì ông sợ phải thêm một lần đối mặt với tranh giả, và điều quan trọng hơn, ông sợ làm cho mọi hy vọng của nhà sưu tập tranh nói trên đổ sụp khi nói ra sự thật phũ phàng.

Vì không chứng minh được nguồn gốc, là độc bản nên kiệt tác hội họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” mãi mãi vẫn chỉ là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mà chưa được nằm trong top các bảo vật quốc gia được chính phủ bảo hộ và gìn giữ. Dù rằng, với người Việt, bức tranh này từ lâu đã là báu vật.